Đ/c Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch hội đồng điều hành buổi họp
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng chủ trì, thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2024 nhằm xây dựng vườn ươm giống quy mô 20.000 cây, mô hình trồng thâm canh 20ha thông Caribe sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1 với yêu cầu cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn và rừng trồng đạt tỷ lệ sống từ 90% trở lên, sinh trưởng cây tối thiểu tăng 20% so với giống đại trà, không sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1.
Trong 36 tháng thực hiện, dự án đã xây dựng được 180m2 vườn ươm giống thông Caribe tại tổ dân phố Kem, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng. Tại địa điểm triển khai, nhóm đã tiến hành 05 công thức thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, bốn lần lặp lại sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1 bón cho thông Caribe giai đoạn vườn ươm. Đồng thời, theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu về đường kính gốc, chiều cao cây, tỷ lệ lá trưởng thành (lá thật), tình hình bệnh hại... và làm các phân tích chỉ tiêu vi sinh vật. Kết quả, cây giống có đường kính cổ rễ 0,6-0,7cm, chiều cao 45-62cm, tỷ lệ trưởng thành 20-25%.
Nhóm tác giả đã xây dựng mô hình trồng thâm canh thông Caribe, sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1. Trong đó, 01ha thí nghiệm về tuổi cây rừng; 01ha thí nghiệm bón chế phẩm vi sinh MF1; 16ha mô hình rừng thâm canh sử dụng chế phẩm vi sinh MF1, có tỷ lệ sống đạt 91,02%, sinh trưởng chiều cao tăng 20,78%, đường kính tăng 20,22% so với 02ha mô hình đối chứng.
TS. Trần Thanh Trăng, chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả
Dự án hoàn thiện 02 quy trình gồm: Quy trình sản xuất cây giống và quy trình trồng thâm canh thông Caribe sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1 phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, hoàn thiện báo cáo kết quả thí nghiệm; các mẫu phân tích xác định mật độ, hoạt tính sinh học và tên khoa học của các chủng vi sinh vật phân giải lân (phân giải phốt phát khó tan), vi sinh vật đối kháng nấm gây bệnh ở vườn ươm và rừng trồng. .
Tại hội đồng, các thành viên đánh giá dự án có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao, chứa đựng nhiều giải pháp tốt khắc phục vấn đề đất nghèo dinh dưỡng tại huyện Yên Dũng. Các phương pháp nghiên cứu được áp dụng trong dự án cơ bản phù hợp. Các thí nghiệm nhằm hoàn thiện kỹ thuật về nhân giống, trồng rừng được bố trí khoa học, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn đã được công bố, có đối chứng, với dung lượng mẫu đủ lớn và có lặp lại…giúp cho kết quả nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy cần thiết, là cơ sở quan trọng để phát triển thông Caribe trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các địa phương lân cận.
Thành viên hội đồng góp ý
Hội đồng đề nghị nhóm tác giả bổ sung tổng quan kết quả nghiên cứu về thông Caribe có liên quan đến dự án; bổ sung tiêu chuẩn cây giống; có sự phân tách rõ ràng giữa nội dung và phương pháp nghiên cứu. Rà soát các hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo thống nhất với những hướng dẫn hiện hành của Bộ Nông nghiệp & PTNT; các tiêu chuẩn ngành hiện hết hiệu lực pháp lý nên được lược bỏ…
Các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá đạt yêu cầu đối với Dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng chế phẩm MF1 xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn thông Caribe (Pinus caribaea Morelet) tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang”./.