Hơn 10 nghìn ha lúa tại hầu hết các huyện bị nhiễm rầy nâu với mật độ cao, 5/10 huyện, thành phố đã xảy ra cháy rầy cục bộ với tổng diện tích thiệt hại gần 2 ha là thực trạng đáng lo ngại trong sản xuất vụ mùa năm nay. Yêu cầu đặt ra lúc này là chính quyền, ngành chức năng và người dân cần khẩn trương, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy nâu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo đảm năng suất lúa
 
Anh Ngô Đăng Tuấn, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Việt Yên dẫn chúng tôi ra cánh đồng thôn Văn Xá, xã Bích Sơn - một trong những khu vực bị rầy nâu gây hại với diện tích và mật độ lớn. Tại đây, cuối tuần trước, một số thửa ruộng đã xảy ra hiện tượng cháy chòm (lúa chết khô) do bị rầy nâu hút hết dinh dưỡng. Bà Nguyễn Thị Yên, người dân trong thôn phản ánh: “Tôi làm ruộng đã nhiều năm nhưng chưa thấy năm nào lại nhiều rầy nâu như vụ mùa năm nay. Gia đình tôi có 4 sào ruộng, toàn bộ đều bị nhiễm rầy. Cũng may là tôi thăm đồng phát hiện sớm lại phun thuốc phòng trừ đặc hiệu theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nên lúa không bị ảnh hưởng nhiều”. Chia sẻ vấn đề này, chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Dục Quang (thị trấn Bích Động) nói: “Người dân chúng tôi vừa phòng trừ xong sâu cuốn lá nhỏ lại nghe thông báo lúa mùa bị rầy nâu gây hại. Nhìn bên ngoài thấy lúa vẫn bình thường nhưng khi vạch gốc ra ai cũng lo lắng bởi mật độ rầy rất cao, không trừ ngay chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới năng suất”.
 
Lúa mùa ở huyện Việt Yên bị nhiễm rầy nâu trên diện rộng và mật độ lớn. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay 1.500 ha lúa mùa sớm của huyện đã bị nhiễm rầy với mật độ phổ biến 2-3 nghìn con/m2, cục bộ 10-20 nghìn con/m2. Trước thực trạng đó, thời gian qua, UBND huyện Việt Yên đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng trừ như: yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện cử cán bộ nắm chắc tình hình thực tế để ra văn bản thông báo, kịp thời khuyến cáo nông dân; tổ chức hội nghị thông báo tình hình và các biện pháp chỉ đạo phòng trừ tới cán bộ lãnh đạo và khuyến nông xã; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh và bằng xe ô tô lưu động về tình hình rầy nâu hại lúa tới 100% số xã, thị trấn. Đặc biệt, trước tình hình một số hộ dân sử dụng không đúng thuốc bảo vệ thực vật làm giảm hiệu quả phòng trừ rầy, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật I Trung ương giới thiệu một số loại thuốc trừ rầy đặc hiệu, tổ chức phun thí điểm và cung ứng cho các hộ dân có nhu cầu. Nhờ đó, tình hình rầy hại lúa trên địa bàn đã được kiểm soát hiệu quả. Đến nay, không phát sinh các điểm cháy rầy cục bộ mới.
 
Tại các địa phương khác, chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân cũng đang tích cực phòng trừ rầy hại lúa. Vụ mùa năm nay, thời tiết nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại. Trong khi đó, những năm gần đây việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong sản xuất nông nghiệp làm cho thiên địch trên đồng ruộng giảm đáng kể. Bởi vậy, mật độ, diện tích lúa bị nhiễm rầy vụ mùa năm nay cao hơn nhiều so với vài năm trước. Xác định đây là một trong những đối tượng sâu bệnh chính cần tập trung chỉ đạo phòng trừ nên ngay từ cuối tháng tám, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã có văn bản dự báo và thông báo tình hình rầy hại lúa mùa, khuyến cáo nông dân cách phòng trừ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Những ngày qua, trước khả năng rầy lây lan mạnh, cán bộ, nhân viên đơn vị làm việc cả ngày nghỉ, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng, chỉ đạo nông dân phòng trừ. Được biết, đến nay, toàn bộ diện tích lúa bị nhiễm rầy đã được phun thuốc, tình hình rầy nâu hại lúa bước đầu đã được khống chế.
 
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, đối với hơn 40/58 nghìn ha lúa mùa trỗ từ đầu tháng này trở đi, rầy là đối tượng “ưu tiên” số một trong chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh. Mặc dù diện tích nhiễm có thể không tăng nhưng khả năng cháy rầy gây thiệt hại 100% lúa trên từng khoảnh ruộng hoặc cánh đồng còn cao. Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ (đối với những diện tích mới cấy trong tháng Tám), sâu đục thân hai chấm, chuột và châu chấu cũng có khả năng gây hại lớn trên những trà lúa cấy muộn. Do vậy, yêu cầu cấp thiết đối với các cấp chính quyền, ngành chức năng và người sản xuất là theo dõi sát tình hình sâu bệnh hại lúa mùa để chỉ đạo và có các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm sâu bệnh và tổ chức phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng nồng độ và đúng kỹ thuật) để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần tăng cường khâu kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật để tránh tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng có khả năng gây thiệt hại kép cho nông dân trong thời điểm này./.
 
Huy Nam