Dưa hấu có bộ rễ chùm, ăn nông, thân mọng nước nên khả năng chịu úng, hạn rất kém. Vì vậy, trồng dưa trong mùa mưa đòi hỏi người trồng cần phải có những biện pháp tác động tích cực mới nhằm mang lại một hiệu quả thiết thực, hạn chế tối đa sự thiệt hại của thời tiết gây nên.
 
Qua thực tế theo dõi tại nhiều vùng trồng dưa hấu vụ xuân hè trên địa bàn huyện Nam Sách trong những ngày của thời tiết vừa qua cho thấy: Do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới thời gian gần đây (giữa đến cuối tháng 5 DL) đã gây nhiều trận mưa lớn tại nhiều khu vực phía Bắc (nhất là Đồng Bằng Bắc Bộ) đã làm nhiều diện tích dưa hấu ở các trà đồng loạt héo rũ do bị úng nước, bộ rễ cây thâm đen và thối dần từng phần, nhất là các diện tích trồng trên vùng đất thịt, trũng, khó thoát nước. Trước thực trạng này, Trạm khuyến nông huyện đã đôn đốc và tổ chức tập huấn (cả trong nhà và ngoài đồng) cho các hộ nông dân ở nhiều xã/thôn có diện tích dưa bị úng nước, nhằm khắc phục được những thiệt hại do thời tiết tiết gây ra. Nhờ đó, nhiều diện tích dưa đã dần hồi phục và phát triển thuận lợi sau nhiều đợt mưa lớn, cứu vãn được nhiệu diện tích dưa có nguy cơ thất thu (nhất là vùng dưa hấu của các hộ nông dân xã Minh Tân do đất trũng). Xin chia sẻ kinh nghiệm cách hạn chế tối thiểu tỷ lệ chết cho cây dưa sau mưa lớn:
 
- Tiêu nước kịp thời: Khơi thông mương máng giúp nước thoát nhanh xuống ao hồ, sông ngòi đồng thời, nạo vét hết đất bùn ở lòng rãnh luống, thậm chí phải đào sâu các rãnh luống xuống khoảng 20cm và đào một hố góc ruộng có kích thước khoảng (1 x 1 x 1 m) để nước dồn vào tại đó trên những chân đất thoát nước kém/ruộng trũng. Việc làm này sẽ nhanh chóng giảm được tối đa lượng nước dư thừa trên bề mặt, trong luống đất, sẽ hạn chế được nhiều tỷ lệ thối rễ cho cây.
 
- Dỡ bỏ nilông và xới xáo nhẹ: Do dưa hấu xuân hè được trồng và che phủ nilông để hạn chế sự xâm hại của cỏ dại, giảm nhiệt, giảm mất nước cho luống dưa... Nhưng sau mỗi cơn mưa, nhất là trời lại nắng gắt ngay sau đó, nếu không dỡ bỏ phần nilông che phủ phía gốc và xới xáo nhẹ phần đất gần gốc thì cây dưa rất dễ bị chết nhanh do đất ở gốc khó thoát hơi nước ra ngoài, đọng lại nilông làm phát sinh bệnh nấm gốc, bộ rễ cây nhanh chóng bị thối phần chóp rễ, cây không hút được dinh dưỡng và tự chết. Sau khi cây hồi phục lại thì dậy phần nilông này lại như cũ.
 
* Lưu ý: Khi dỡ bỏ nilông và xới xáo cần bổ sung một lượng tro bếp nguội nhất định để giảm độ ẩm nhanh cho đất phần gốc cây (do tro có khả năng hút ẩm nhanh lên bề mặt luống).
 
- Bổ sung các loại phân bón lá, phân vi lượng, kích thích ra rễ cho cây: Bộ rễ của cây dưa do bị úng nước nên không có khả năng hút được dinh dưỡng nuôi cây. Vì vậy, cần tận dụng bộ thân lá cây dưa, sử dụng các loại phân bón lá có chứa đa, vi lượng nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây qua thân, lá. Song song là dùng các loại phân chuyên dụng có khả năng kích thích ra rễ cho cây (phun hoặc tưới vào gốc) hoặc dùng supe lân (5- 6 kg/sào) tưới gốc nhằm kích thích bộ rễ của cây nhanh ra rễ mới.
 
* Chú ý: Các loại phân trên phải được sử dụng từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 ngày. Khi thấy rễ cây hồi phục (nhú trắng) mới dùng phân đa lượng (đạm, lân, kali) chăm bón. Tuyệt đối không được sử dụng urê riêng rẽ tưới cho cây trong thời gian cây vẫn chưa hồi phục bộ rễ. Chỉ có thể sử dụng phân Neb 26 phối trộn urê theo khuyến các trên bao bì để tưới cho cây giúp hồi phục bộ rễ nhanh hơn.
 
Theo Báo Bắc Giang