Nhện gié là một trong những dịch hại phổ biến trên lúa trong những năm gần đây, gây hại nặng trên trà lúa hè thu trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Đây là loài động vật nhỏ, có tên khoa học là Steneostarsonemus spinki Smiley, rất khó nhìn thấy bằng mắt thường.
 
Đặc điểm hình thái:vòng đời nhện gié từ 10 đến 13 ngày, trứng 1-2 ngày, nhện non 4-5 ngày, nhện trưởng thành 5-6 ngày. Nhện trưởng thành có kích thước rất nhỏ khoảng 0,2-1mm, trong suốt hoặc màu nâu sáng, có 8 chân. Cơ thể con đực thường ngắn hơn con cái, đôi chân sau cùng thường to hơn đôi chân sau của con cái và được sử dụng như một cái kẹp để tự vệ. Nhện cái có khả năng đẻ được 50 trứng riêng lẻ trên bẹ lá phía trên mặt nước, trứng dạng bầu dục, trắng đục, các trứng không được thụ tinh sẽ nở ra nhện đực. Nhện non cơ thể nhọn, dài, chỉ có 3 cặp chân, ngừng hoạt động trong khoảng 1 ngày trước khi chuyển sang trưởng thành, nhện non không thể tự di chuyển được phải nhờ con đực trưởng thành mang đi.
 
2.Điều kiện phát sinh và cách gây hại
 
Nhện gié phát triển thích hợp trong thời tiết nóng và khô. Việc nông dân sử dụng nhiều thuốc trừ sâu ở đầu vụ làm giảm mật số thiên địch trên đồng ruộng, gieo sạ quá dày, bón thừa phân đạm cũng là những nguyên nhân làm nhện gié bộc phát thành dịch.
 
Nhện thường sống trong bẹ lá lúa, gây hại bằng cách chích hút nhựa cây để lại nhiều sọc dài màu nâu tím bên ngoài bẹ lá, các sọc này rất giống với vết cạo gió của người bị cảm nên có nơi gọi là bệnh cạo gió.
 
Khi mật số cao chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié và bông lúa trước khi trỗ. Khi lúa làm đòng nếu bị nặng bông lúa sẽ thiếu dinh dưỡng dẫn đến hạt bị lép, bông thẳng đứng rất dễ nhận biết. Sự gây hại của nhện gié còn tạo ra các vết thương cơ giới, là điều kiện thuận lợi cho một số loài nấm, vi khuẩn xâm nhập, phát triển và gây hại như Sarocladium oryzae, Curvularia sp., Alternaria padwrekii, trong đó chủ yếu là nấm Sarocladium oryzae gây bệnh thối bẹ.
 
Ở những ruộng bị nhện gié gây hại nặng tỷ lệ gạo thành phẩm thấp hơn bình thường. Trên các giống lúa khác nhau thì mức độ gây hại và mật độ nhện cũng khác nhau.
 
3. Biện pháp phòng trị: để phòng trị nhện có kết quả cần áp dụng các biện pháp tổng hợp: sau khi thu hoạch lúa, rải rơm đốt đồng trước khi làm đất với những vùng thường xuyên bị nhện gié gây hại. Cày ải phơi đất, vệ sinh đồng ruộng, diệt hết các lúa gốc; Dọn cỏ xung quanh ruộng lúa, diệt ký chủ và mầm mống của nhện; Gieo sạ thưa, cách ly thời vụ ít nhất 3 tuần, bón phân cân đối, luôn giữ đủ mực nước cần thiết không để ruộng bị khô; Bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa, đặc biệt là một số nhện bắt mồi và ong ký sinh có khả năng kiềm chế mật số nhện gié .
 
Nhện xuất hiện nhiều ở giai đoạn bắt đầu làm đòng đến trổ, vì vậy cần phát hiện sớm, phun thuốc trừ ngay từ thế hệ đầu tiên mới có hiệu quả cao. Có thể sử dụng một số thuốc hóa học đặc trị nhện như: Nissorun, Kinalux, Kumulus, Comite,…cần phun đủ lượng nước từ 400-600l/ha để nước thuốc thấm vào bẹ lá mới diệt được nhện.
 
Nguồn tin NNVN