1. Thời vụ: Gieo hạt từ 20/2-25/2 dương lịch.
 
2. Đất trồng: Chọn chân đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất cát pha, thịt nhẹ chủ động tưới tiêu, pH từ 5,5-6,5.
 
Làm đất: Do bộ rễ của dưa chuột phát triển yếu nên phải làm đất kỹ. Lên luống cao 0,3 m, mặt luống rộng 1,2 m, rãnh luống rộng 0,3 m.
 
3. Chuẩn bị phân bón cho 01 sào:
 
- Phân chuồng mục: 700kg
 
- Đạm urê: 7-9kg
 
- Supelân: 12-15kg
 
- Kali sunfat: 8-9kg
 
Đất hơi chua bón thêm 25-30 kg vôi bột
 
Cách bón:
 
- Phân chuồng, vôi bột và lân bón lót toàn bộ cùng với 1/2 lượng đạm, 1/2 lượng ka li. Số còn lại dùng để bón thúc kết hợp với xới vun.
 
4. Chuẩn bị hạt giống và cách trồng.
 
- Giống: Hiện nay trên thị trường có nhiều loại giống, giống trong nước có giống Tam Dương (Vĩnh Phú), Yên Mỹ, Thuỷ Nguyên.... Một số giống lai được các viện nghiên cứu chọn tạo như: PC1, Sao xanh 1,... Có thời gian sinh trưởng từ 75-85 ngày, năng suất từ 20-35 tấn/ha. Một số giống dưa chuột của Việt Nam có gai quả màu đen hoặc nâu, đặc điểm di truyền đó làm cho quả mau ngả sang màu vàng. Các giống nhập nội được trồng phổ biến như: DV-178, Happy 14, TH 337,... là giống lai F1 nên năng suất cao (từ 35-40 tấn/ha), thời gian sinh trưởng từ 75-110 ngày, quả màu xanh hoặc xanh đậm, gai trắng.
 
Hạt giống cần cho 1 sào: Với giống địa phương cần khoảng 50g, giống lai F1 cần khoảng 30-40g.
 
Trồng ở vụ xuân do nhiệt độ thấp nên cần ủ cho hạt nứt nanh rồi mới đem gieo. Khoảng cách hàng cách hàng 70-80cm, cây cách cây 35-40cm. Gieo hạt sâu 1-1,5 cm, rắc đất mịn lên kín hạt, sau đó phủ một lớp mùn hoặc trấu lên trên trước khi tưới ẩm lên hạt gieo (dùng ôdoa tưới). Khi cây mọc tạm ngừng tưới nước từ 1-2 ngày sau đó tưới trở lại bình thường.
 
5. Chăm sóc, tưới nước cho dưa chuột:
 
Khi cây 4-5 lá thật, lúc ra tua cuốn thì xới vun kết hợp bón 1/4 lượng đạm, 1/4 lượng kali vun cao luống. Tưới rãnh ngập1/2 rãnh, để khoảng 4-6 giờ cho ngấm đủ và tháo hết nước. Sau 3-4 ngày, khi rãnh khô thì tiến hành cắm giàn cho dưa(mỗi sào cần từ 1.400-1.500 cây dóc), dùng dây mềm để buộc ngọn dưa lên giàn. Công việc này làm thường xuyên đến khi cây ngừng sinh trưởng. Cần tưới ẩm thường xuyên cho dưa (7-10 ngày tưới rãnh 1 lần, lấy nước ngập 1/2 rãnh cho hút đủ rồi tháo nước), tránh để bị khô hạn sẽ làm cho chất lượng quả giảm do sinh ra chất gây đắng trong quả.
 
Sau khi thu lứa quả đầu tiên, dùng nốt lượng đạm và kali còn lại tưới thúc cho cây. Nếu đất ẩm dùng cuốc băm nhẹ giữa hai cây rồi bón phân sau đó lấp kín phân, kết hợp làm cỏ và vặt bỏ lá già, lá sâu bệnh. Sau mỗi lứa thu quả cần bổ sung dinh cho cây bằng cách dùng supelân ngâm với nước phân chuồng hoà loãng tưới cho cây sẽ giúp bền cây và kéo dài thời gian thu quả.
 
6. Thu quả: Quả từ 7-10 ngày tuổi thì tiến hành thu hoạch. Nếu để quả già sẽ ảnh hưởng tới sự ra hoa, đậu quả của lứa tiếp theo, năng suất sẽ giảm. Quả nên thu vào buổi sáng để buổi chiều tưới thúc nước phân. Thời kỳ rộ quả, có thể thu 2-3 ngày một đợt quả.
 
Phòng trừ sâu bệnh
 
1. Bệnh thối gốc dưa chuột
 
Bệnh phổ biến ở các vùng trồng dưa chuột, gây hiện tượng thối thân và quả làm giảm năng suất và phẩm chất đáng kể.
 
Biểu hiện đặc trưng nhất của bệnh là gây ra hiện tượng thối mục trên gốc thân cây con. Khi thời tiết ẩm ướt trên gốc thân xuất hiện những vết màu trắng xám phát triển thành một lớp nấm mốc bông xốp màu trắng,.. triệu chứng này cũng biểu trên quả.
 
Để phòng trừ bệnh này cần chú ý gieo trồng đúng thời vụ, tưới nước vừa phải và bón cân đối N, P, K. Sử dụng một số thuốc đặc hiệu sau để phun phòng trừ như: Anvil 5SC, Ridomil 68WP, Riside 72WP,...(Pha và phun theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm)
 
2. Bệnh giả sương mai dưa chuột.
 
Bệnh hại trên lá, thân cành, thậm chí cả quả nhưng hại lá là chủ yếu.
 
Trên lá vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ không màu hoặc màu xanh nhạt sau đó chuyển sang màu xanh vàng đến nâu nhạt, hình tròn, đa giác hoặc hình bất định. Vết bệnh thường nằm rải rác trên lá hoặc nằm dọc các gân lá. Mặt dưới vết bệnh thường hình thành một lớp nấm mốc màu trắng xám. Cây bị bệnh hại nặng làm cho lá biến dạng, cây phát triển yếu và chết.
 
Để phòng trừ bệnh tốt cần tích cực vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch. Tiến hành phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng một số thuốc đặc hiệu như: Ridomil 68WP, Melody duo 66,75WP, Sat 4SL, Antracol 70WP... (Pha và phun theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm).
 
3. Bệnh phấn trắng
 
Bệnh gây nhiều thiệt hại cho dưa chuột. Triệu chứng bệnh là tạo thành ở cả hai mặt lá trên và dưới lá đám nấm màu trắng hay xám hồng. Về sau trên đám nấm xuất hiện các chấm đen. Nhiều trường hợp đám nấm xuất hiện cả ở trên cuống lá và đôi khi cả trên quả. Bệnh nặng, mép lá cuốn lên phía trên, trở thành giòn, khô và rất dễ gãy khi đụng đến.
 
Để phòng trừ bệnh tốt cần vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi kết thúc vụ dưa, tiến hành cày sâu phơi đất. Dùng thuốc hoá học để phun khi bệnh chớm xuất hiện, sau đó tiếp tục phun một vài lần đến khi bệnh ngừng phát triển. Một số thuốc trừ bệnh đặc hiệu như: Score 250EC, Aliette 800WG, Daconil 75WP,...
 
4. Ruồi đục lá: Dòi đục dưới biểu bì lá ăn phần xanh của lá để lại hai lớp biểu bì, tạo thành các đường đục ngoằn ngòeo. Giữa các đường đục có vệt phân do dòi thải ra có màu xanh hoặc màu nâu đen. Các lá già, lá bánh tẻ bị hại nhiều hơn lá non.
 
Phòng trừ: Trồng đúng thời vụ, luân canh với lúa nước, bón phân cân đối, giữ đủ ẩm,... dùng một số loại thuốc hoá học sau để phun khi thấy dòi gây hại: Selecron 500EC, Vertimec 1.8EC, Vibamec 1.8EC,...
 
5. Nhện hại: Tập đoàn nhệ trắng, nhện đỏ gây hại.
 
Biểu hiện khi nhện hút dịch cây làm cho lá nhỏ, mép lá cong xuống và cuốn vào, lá nhăn nheo.
 
Phòng trừ: áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bao gồm các biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý, trồng đúng thời vụ, luân canh với lúa nước hay cây trồng không phải là ký chủ của nhện, bón phân cân đối, tránh bón quá nhiều phân đạm. Dùng thuốc hoá học khi cần thiết: Ortus 5SC, Pegasus 500SC,...
 
Nông Tuyên Huấn