Hoa cúc là một trong những loại hoa được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, màu sắc đa dạng, bảo quản và vận chuyển dễ dàng. Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Việt Nam có khoảng trên 50 giống hoa cúc nhưng được trồng phổ biến nhất vẫn là các giống cúc đại đoá vàng, cúc vàng Đà Lạt, cúc Chi Đà Lạt, cúc Chi trắng Đà Lạt, cúc Chi vàng Đà Lạt, cúc Ngầm, cúc Hoạ Mi, cúc Kim Từ Nhung, cúc tím hoa cà, cúc đỏ, cúc vàng Đài Loan, cúc CN93, cúc CN97, cúc đỏ tiết Dê. Do đó, người trồng hoa có thể chọn giống Cúc tùy theo sở thích hoặc mục đích trồng.
 
 

 
1. Đặc điểm thực vật học
 
   - Rễ: Hoa cúc là cây có bộ rễ phụ phát triển, rễ cây ít ăn sâu mà phát triển theo chiều ngang. Rễ có nhiều lông hút nên khả năng hút nước và dinh dưỡng mạnh.
 
   -Thân: Hoa cúc thuộc loại thân thảo, khả năng phân nhánh mạnh, chiều cao của cây phụ thuộc vào đặc tính giống, khi tác động chế độ ánh sáng cây cúc có thể cao trên một mét.
 
    - Lá: Lá cúc chia thùy, có răng cưa to, sâu, thường là lá đơn mọc so le nhau, mặt dưới lá bao phủ bởi một lớp lông tơ, mặt trên nhẵn, gân lá hình mạng lưới. Mỗi nách lá thường phát sinh một mầm nhánh. Phiến lá có thể to hay nhỏ, màu sắc xanh hay đậm, lá dày hoặc mỏng còn phụ thuộc vào đặc tính của từng giống.
 
    - Hoa: Hoa cúc chính gồm nhiều hoa nhỏ gộp lại trên một cuống hoa, hình thành hoa tự đầu trạng mà mỗi cánh thực chất là một bông hoa. Tràng hoa dính vào bầu như hình ống, trên ống phát sinh cánh hoa. Hoa có thể lưỡng tính hay đơn tính. Hoa kép nhiều hơn hoa đơn và thường mọc nhiều hoa trên một cành phát sinh từ các nách lá. Hoa và cánh hoa có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau tùy thuộc vào đặc tính từng giống.
 
2. Kỹ thuật trồng hoa cúc
 
2.1. Thời vụ trồng:
 
    Nhìn chung, ở Việt Nam có một số thời vụ chính để trồng cúc như sau:
 
- Vụ Xuân Hè: Trồng tháng 3, 4 thu hoa vào tháng 6, 7: Trồng giống Vàng hè, Trắng hè, Tím hè....
 
- Vụ Hè Thu: Trồng tháng 5, 6 thu hoa vào tháng 9, 10: Trồng giống Vàng hè, Vàng hoè, Tím hè...
 
- Vụ Thu Đông: Trồng tháng 8, 9 thu hoa vào tháng 11,12: Trồng giống Tím sen, Vàng Đài Loan, Vàng hoè, Vàng nghệ, đỏ nhung, phalê, trắng huệ...
 
 - Vụ Đông Xuân: Trồng tháng 10, 11 thu hoa vào tháng 1, 2: Trồng giống Vàng Đài Loan, Tím sen, Chi trắng, Muống hồng, Tia sao, Thọ đỏ...
 
2.2 Kỹ thuật trồng, chăm sóc:
 
   - Chuẩn bị đất trồng: Cúc là cây trồng cạn, không chịu được ngập úng, do đó đất trồng phải cao ráo tơi xốp, thoát nước tốt. Đất thích hợp cho sự phát triển của cây cúc là đất thịt nhẹ, đất pha sét, đất đỏ bazan,...có độ pH khoảng từ pH = 5,8 – 6,8. Nếu trồng Cúc trên đất trũng, ẩm thấp, bí, đất chua, dẫn tới thiếu oxy và ảnh hưởng tới hoạt động của các vi sinh vật trong đất, quá trình phân giải chất hữu cơ chậm thì bộ rễ kém phát triển. Điều này ảnh hưởng tới việc hút dinh dưỡng của cây, dẫn đến hiện tượng cây còi cọc, lá úa vàng, sinh trưởng phát triển kém. Đất được cày phơi ải từ 7-10 ngày sau mỗi vụ trồng, cày sâu 35-45 cm, bừa nhỏ mịn, khử tuyến trùng bằng Ethoprophos 10%, khử vi khuẩn bằng calcium hypochlorite (3 kg/1000m2)
 
  - Luống trồng: rộng 1,1-1,2m, mặt luống rộng 80- 90 cm, cao 20 - 30 cm (tùy thời vụ). Có thể bón lót kết hợp với lên luống.
 
  - Mật độ và khoảng cách:
 
  + Với giống 1 bông: 14 x 15cm hoặc 15 x 15cm, mật độ 40 - 45 cây/m2 (tương đương 14.000 – 15.000 cây/sào Bắc Bộ)
 
  + Với giống nhiều bông: 16 x 18 cm hoặc 18 x 18 cm, mật độ từ 30 - 35 cây/m2(tương đương 8.000-9.000 cây/sào Bắc Bộ);
 
- Tưới nước:
 
 + Tưới mặt: dùng vòi hoặc bình ô doa để tưới, chỉ tưới đủ ẩm, không nên tưới đẫm nước (dùng cho cây mới trồng);
 
 + Tưới rãnh: Cho nước ngập 2/3 rãnh, để 1-2 giờ sau đó rút nước đi (tưới khi trời khô hanh, cây trồng được 10-15 ngày);
 
- Bón phân:
 
+ Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ:
 
  -> Phân chuồng hoai mục: 1-2 tấn;
 
  -> Phân lân: 50Kg supelân;
 
 -> Phân kali: 20kg Kali sufat;
 
-> Phân đạm: 20kg urê;
 
 +  Cách bón:
 
 -> Bón lót toàn bộ phân chuồng và 30 Kg phân lân;
 
 -> Bón thúc: Lượng phân còn lại chia làm 4 đợt để bón, cứ 7-10 ngày bón một lần;
 
- Tỉa cành: Đối với cúc 1 bông phải tỉa bỏ các cành nhánh phụ và nụ con, chỉ để 1 nụ to trên thân chính. Tỉa bỏ ngay khi nụ còn bé để không tiêu hao dinh dưỡng của nụ chính. Đối với cúc chùm, nên tỉa bớt các cành tăm, cành mọc gần sát gốc cây và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều. Sau khi trồng 15 - 20 ngày bấm ngọn để lại 3 - 4 cành hoa đối với giống cúc có hoa lớn. Đối với các giống hoa cúc nhỏ, dạng thân bụi, bấm ngọn 2- 3 lần: Lần 1 sau khi trồng 15 - 20 ngày, Lần 2 bấm ngọn sau lần 1 khoảng 15 ngày, Lần 3 sau lần 2 khoảng 15 ngày. Người trồng hoa phải thường xuyên bấm, tỉa cành và các nhánh không cần thiết. Đến thời kỳ ra hoa cần bấm những nụ phụ, chỉ để lại nụ chính để tập trung dinh dưỡng nuôi hoa.
 
  - Xử lý quang gián đoạn để ngăn cản hiện tượng nở hoa sớm:
 
  Khi trồng cúc vào vụ đông xuân: Dùng bóng điện 75W để chiếu sáng thêm 2-3 giờ/ngày. Chiếu sáng liên tục từ khi trồng đến trước trổ bông khoảng 30 ngày
 
 - Làm giàn giữ cây:
 
  Khi cây cúc đạt chiều cao từ 20 – 30 cm tiến hành cắm cọc, làm giàn giữ cho cây cúc mọc thẳng không bị đổ. Khi cây lớn dần thì lưới được nâng dần lên theo độ cao của cây;
 
3. Phòng trừ sâu bệnh:
 
 - Các loại sâu hại chính là: : rệp, sâu xanh, sâu khoang, sâu vẽ bùa... Khi bị sâu hại, dùng tay để bắt hoặc sử dụng thuốc Karate 2,5 EC, Supracide 40ND, Pegasus 500 SC, Supathion 40 EC... để phòng trừ;
 
 - Các loại bệnh thường gặp là: đốm lá, phấn trắng, đốm nâu, gỉ sắt. Có thể phòng trừ bằng thuốc Topsin M-70 WP, Score 250ND, Anvil 5 SC, Roval WP...
 
4. Thu hoạch và bảo quản hoa:
 
- Trước khi thu hoạch 7 - 10 ngày, hoà loãng kali vào nước tưới cho cây, trước khi cắt hoa 1 - 2 ngày cần tưới đẫm nước.
 
 - Lựa chọn những bông hoa nở khoảng 2/3 số cánh, hoặc nở gần hoàn toàn cánh vòng ngoài, dùng kéo cắt cành cắt cách mặt đất khoảng 10 cm, cắt vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, vào các ngày khô ráo
 
  - Hoa sau khi thu hoạch cần đưa vào nhà mát để xử lý sơ bộ, sau đó ngâm vào dung dịch STS ( Silver thiosulphate) 0,1%, ngập sâu 8 - 10 cm chiều dài cành trong thời gian 10 phút.
 
Thanh  Thanh (TH)