Những ngày gần đây, về xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế, chúng tôi cảm nhận được rõ rệt cuộc sống thay đổi của bà con nơi đây. Những cánh đồng trồng dưa chuột bao tử, dưa chuột truyền thống đã và đang có nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Tiến Bộ là người được cho là trồng dưa chuột đầu tiên trong thôn. Chị bắt đầu trồng dưa chuột vào năm 2006  khi thấy một số anh em ở thôn An Thượng trồng loại dưa này có hiệu quả. Sau khi trồng, chị chăm sóc, ghi chép số liệu cụ thể và thấy được tiềm năng của loại cây trồng này nên nhân rộng vào vụ sau. Đi dọc những luống dưa đang trong thời kỳ cho quả, tay cẩn thận buộc, tỉa những chiếc lá vàng bỏ đi, chị chia sẻ, những loại dưa chuột ở vùng đất khác sau khi vặt để sẽ bị vàng đi, nhưng riêng loại dưa trồng ở Tiến Thắng để 5 -7 ngày mẫu mã vẫn y nguyên nên rất được thị trường ưa chuộng. Giá bán dưa thương phẩm năm 2019 dao động khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, trừ hết chi phí cũng đem lại thu nhập từ 5-6 triệu đồng/sào. Chị Lan cho biết thêm, nếu xử lý đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật thì một năm có thể được thu 4 vụ dưa chuột, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Lan đang chăm sóc ruộng dưa của gia đình mình

Nếu như cây dưa chuột truyền thống đã gắn bó với bà con xã Tiến Thắng từ cách đây hơn chục năm, thì cây dưa chuột bao tử lại mới được bà con tiếp nhận năm 2017 - 2018. Tuy trồng dưa chuột bao tử tốn công chăm sóc, đòi hỏi sự tỉ mẩn, cẩn thận hơn nhưng được doanh nghiệp thu mua toàn bộ nên bà con yên tâm, không lo đầu ra cho sản phẩm.

Chị Hoàng Thị Thủy ở thôn Đồng Cờ bắt đầu trồng dưa bao tử vào vụ Đông năm 2018 khi xã làm cánh đồng tập trung, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo đưa cây dưa vào trồng. Năm đó, chị trồng 6 sào dưa chuột bao tử, trừ hết tất cả chi phí như hạt giống, thuốc BVTV, cây cắm giàn, lưới... chị thu về khoảng 5-6 triệu đồng/sào dưa. Năm 2019, vì có giàn sẵn nên chi phí ban đầu tốn ít hơn, chị thu về được hơn 8 triệu đồng/sào dưa, gia đình thoát nghèo và đang có thu nhập ổn định từ cây dưa chuột bao tử. Theo chị Thủy, dưa chuột bao tử là loại cây trồng có thời gian thu hoạch ngắn ngày, sau khi trồng từ 30 đến 35 ngày, dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi đợt thu hái cách nhau khoảng 1 ngày. Trồng dưa bao tử đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chị ngày nào cũng phải ra ruộng thăm nom, giữ đủ nước ở rãnh luống. Ngoài ra, cây leo đến đâu cần buộc ngọn và nhánh vào giàn tới đó và phải thường xuyên cắt tỉa các loại lá vàng, đốm héo nhằm tránh lây lan bệnh cho ruộng. Dưa chuột bao tử lớn rất nhanh, chỉ trong vòng một ngày có thể đạt kích cỡ tiêu chuẩn từ 3 đến 5cm nên cần thu hái thường xuyên. Vào dịp thu hoạch, chị có thể hái 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều.

Anh Nguyễn Duy Chung, cán bộ KNCS xã Tiến Thắng cho biết, vụ Đông năm 2019, toàn xã trồng khoảng 70 ha cây dưa chuột bao tử và dưa chuột truyền thống, trong đó có 15 ha cây dưa chuột bao tử và 55 ha dưa truyền thống. Riêng 15 ha dưa chuột bao tử được công ty TNHH Hội Vũ ở Hà Nam bao tiêu sản phẩm với giá cân dưa loại 1 (70 quả/kg) là 8.500 đồng/kg, giá cân dưa loại 2 (45-50 quả/kg) là 5.000 đồng/kg. Gía bán dưa chuột truyền thống bấp bênh hơn nhưng nhìn chung cũng đạt trung bình từ 4.500 - 5.000 đồng/kg. Dưa chuột truyền thống và dưa chuột bao tử được người dân trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất ở vụ Đông, cây dưa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích; đồng thời góp phần thay đổi tập quán sản xuất, mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong xã. Đây cũng là lý do các cấp, các ngành xã Tiến Thắng lựa chọn cây dưa là một trong những cây trồng chủ lực, là sản phẩm thế mạnh trong phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương.

Theo snnptnt.bacgiang.gov.vn