Những năm gần đây, ngành chăn nuôi nói chung và các trang trại chăn nuôi nói riêng trên địa bàn huyện Lạng Giang phát triển mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng với sự gia tăng số lượng trang trại chăn nuôi là vấn đề ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra. Một trong những giải pháp góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là đầu tư xây dựng hầm biogas.

Gia đình chị Hoàng Thị Thêu ở thôn Ngoẹn, xã Tiên Lục, huyên Lng Giang, năm 2018 được Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (Dự án LCASP) hỗ trợ xây dựng hầm biogas với dung tích 16,3m3. Anh Thu cho biết, “nhà tôi chủ yếu là chăn nuôi lợn với quy mô hiện tại 20-40 con lợn/lứa. Trước đây, khi chưa có hầm biogas, chất thải từ chuồng cứ ngày càng nhiều lên, bốc mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến gia đình và hàng xóm. Thỉnh thoảng tôi lại phải thuê người dọn, vừa tốn công vừa tốn tiền nhưng vẫn xử lý không triệt để. Từ khi  mô hình biogas thì những vấn đề đó không còn nữa. Hầm biogas không những đã phát huy rất tốt việc xử lý phân và nước thải từ đàn gia súc, mà còn giúp cho gia đình tiết kiệm được chi phí sinh hoạt nhờ khí đốt từ biogas. Bên cạnh đó, các hộ dân ở đây cũng phản hồi tích cực khi gia đình áp dụng phương pháp xử lý chất thải từ công nghệ này.

Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn huyện Lạng Giang hiện có 34 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 4 trang trại có quy mô nuôi từ 1.000-2.000 con và 01 trang trại nuôi trên 2.000 con lợn mỗi năm. Trong số đó, 100% các trang trại đều áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi khác nhau. Trên địa bàn toàn huyện có gần 1.500 công trình khí sinh học được các hộ chăn nuôi áp dụng thực hiện rất hiệu quả. Hệ thống biogas mang đa lợi ích giúp giảm mùi hôi và cải thiện cảnh quan,tạo ra môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi do chất thải được tập trung và nạp vào bể biogas. Quá trình phân hủy yếm khí giúp tiêu diệt trứng giun, sán, mầm bệnh, mùi hôi thối không bị phát tán ra xung quanh. Hơn thế, kỹ thuật phân hủy yếm khí trong bể biogas cho thấy, hiệu quả xử lý nước thải tốt hơn so với các phương pháp truyền thống khác. Các hầm biogas còn giúp giảm tình trạng thải trực tiếp chất thải ra môi trường của hộ chăn nuôi, qua đó, giảm được ô nhiễm nước mặt và nước ngầm.

Thông qua quá trình phân hủy yếm khí trong hầm biogas, hầu hết các chất hữu cơ từ phân chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng chứa nitơ là khoáng chất, dễ hấp thụ đối với cây trồng. Do chứa lượng nitơ sẵn có nhiều nên phân bùn sau phân hủy biogas có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng.

Anh Nguyên Văn Tám cán bộ nông nghiệp xã Tiên Lục cho biết, trong những năm qua, nhiều hoạt động chăn nuôi được triển khai trên địa bàn xã Tiên Lục, đã mang lại nguồn kinh tế cao đóng góp và sự phát triển của xã, cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn. Việc xây dựng hầm khí biogas là việc làm cần thiết, không những giải quyết được vấn đề về môi trường mà còn tạo nhiên liệu để làm khí đốt và nguồn phân bón cho cây trồng. Hiện mô hình này đã và đang được nhân rộng, người chăn nuôi yên tâm mở rộng quy mô chăn nuôi.

Theo http://khuyennongbacgiang.com/