Đó là những nội dung chính tại Hội nghị củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc do Bộ NN- PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức.
Tham dự và chủ trì hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Trần Thanh Nam, cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, Liên minh HTX và cùng đại diện các HTX tiêu biểu của 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. 
 
Đến hết năm 2018, toàn vùng có 3.371 HTX nông nghiệp, tăng 155% so với năm 2013, chiếm 24,15% HTX nông nghiệp trong cả nước. Trong đó, HTX theo các lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) chiếm 60,43%, với quy mô 253.600 thành viên, bình quân 1 HTX 150 thành viên.
 
Vốn HTX nông nghiệp bình quân 695 triệu đồng/HTX. Một số tỉnh có phong trào xây dựng và phát triển HTX mạnh, hoàn thành việc chuyển đổi, từng bước đổi mới về tổ chức hoạt động, khẳng định rõ vai trò, vị trí của HTX.
 
Có 10 tỉnh được bố trí từ nguồn ngân sách tổng số 598,43 tỷ đồng để thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX, trong đó tập trung chủ yếu hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, đầu tư máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… 4/15 tỉnh được hỗ trợ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, bình quân 7 tỷ đồng/HTX. Doanh thu bình quân năm 2018 đạt 724 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân lao động đạt 36,53 triệu đồng/người
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận tập trung các nội dung nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp; chính sách hợp lý để các HTX nông nghiệp phát triển; xây dựng quy định cụ thể để tránh trục lợi từ chính sách trong việc thành lập các HTX; tập huấn cho HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0…
 
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX nhằm nâng cao năng lực; các chính sách hỗ trợ thông qua kết quả trung gian; ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ về kinh tế HTX.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị các địa phương đẩy mạnh Chương trình OCOP, xây dựng các tuyến du lịch theo hình thức du lịch cộng đồng trải nghiệm; thực hiện xây dựng thương hiệu các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc. Đồng thời tăng cường đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phảm.
 
Thứ trưởng cũng yêu cầu các Sở NN-PTNT chủ động phối hợp với các đơn vị khác như Liên minh HTX, các doanh nghiệp và có định hướng về đầu ra cho người nông dân.
 
Theo Nongnghiep.vn