Tân Yên có diện tích gieo cấy lúa trên 13.000 ha/năm, là huyện thuần nông, đất bạc màu, năng suất lúa bình quân năm 2005-2006 dưới 45 tạ/ha. Những năm gần đây nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: Đưa giống mới, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bà con nông dân nơi đây đã áp dụng biện pháp sản xuất mạ bằng khay chiếm 65-70% diện tích gieo cấy thay thế phương pháp gieo mạ nhổ, mạ xúc truyền thống. Nhờ đó năng suất lúa đã được nâng lên bình quân trên 52 tạ/ha (năm 2010). Từ khi áp dụng mạ khay đã giúp giảm 50% công cấy, tiết kiệm giống được 30-35%, cây lúa sau cấy (ném) sinh trưởng phát triển khoẻ hơn do không bị dập nát đứt rễ, dút ngắn thời gian sinh trưởng được từ 5-7 ngày… Sau đây là kinh nghiệm đã được bà con nông dân Tân Yên thực hiện:
 
1. Chọn giống lúa khi áp dụng gieo mạ khay: Phải là những giống có thời gian sinh trưởng dưới 130 ngày vụ xuân như: KD-18; Q-5 và một số giống lúa lai Qưu-1; Thục Hưng-6; TH3-3... (vì cây mạ gieo vào khay chỉ phát triển thuận lợi sau gieo khoảng 10-20 ngày, khi mạ đạt 2,5-3,5 lá).
 
2. Thời vụ: Áp dụng gieo ở trà xuân muộn từ 25/1-20/2. Cần chú ý phòng chống rét cho mạ bằng biện pháp che phủ nilon, những ngày nhiệt độ trên 200C hoặc chuẩn bị đi cấy cần huấn luyện mạ hay giảm bớt nhiệt độ trong luống mạ bằng cách gỡ bỏ dần nilon ở hai đầu.
 
3. Một số yêu cầu kỹ thuật khi tiến hành:
 
3.1 Chuẩn bị: Dùng từ 25- 28 khay (kích thước 40 x 60cm, khoảng 540 lỗ/khay), từ 0,6-1,0 kg thóc giống cấp nguyên chủng hoặc lai F1 là đủ cho 360m2 ruộng cấy. Hạt giống được ngâm, ủ bình thường đến nứt nanh hoặc mống mạ có thể dài bằng 1/4-1/3 hạt thóc.
 
3.2. Gieo mạ:
 
Gieo mạ khay trên nền đất cứng: Chọn nơi bằng phẳng, thoáng nắng dùng bùn loãng đổ lên mặt, cán bùn mỏng 1-2cm. Xếp các khay thành luống có kích thước 0,9-1,2m, các mép khay trồng lên nhau. Tiếp tục lấy bùn loãng đổ đầy vào các lỗ sau đó dùng tay hoặc thước thẳng gạt trên mặt khay sao cho hết bùn bám trên mặt. Chia mống mạ và gieo đều vào các lỗ khay, sau khi gieo xong dùng bẹ chuối tươi hoặc bàn tay, cũng có thể lấy chổi sương quét hay vỗ lên mặt khay sao cho mống mạ được chìm vào các lỗ.
 
Gieo mạ trên ruộng đất ướt như mạ nhổ, mạ xúc: Ruộng được tiến hành làm đất như bình thường chỉ khác là dìm các khay lên luống mạ cho bùn loãng được chảy vào các lỗ sau đó các bước tiếp sau được tiến hành như làm trên nền đất cứng.
 
Chú ý: Bùn đổ vào lỗ khay cần được loại bỏ tạp chất để dễ tách mạ khi ném, không lấy bùn quá hẩu và không nên cho các loại phân vào lỗ khay vì thời gian mạ ngắn, hoặc có thể bị ngộ độc phân. Mống mạ không ủ dài quá 1/2 hạt thóc, không nên gieo quá 3 hạt thóc/ lỗ khay, gieo đảm bảo 85% số lỗ khay có hạt thóc là đạt yêu cầu. Khi mạ ở giai đoạn mũi chông có thể hoà bùn loãng tưới, và phòng sâu bệnh như gieo mạ khác./.
 
Hồng Huyên