(Ảnh: minh hoạ)

Trong thực tế, sản xuất lúa giống là một yếu tố rất quan trọng. Trong thâm canh, việc sử dụng giống tốt là một biện pháp rẻ tiền mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các nhà khoa học đã khẳng định: hạt giống có  tốt là yếu tố cơ bản để đạt năng suất cao. Hạt giống tốt phải thuần về mặt di truyền và cần phải được phân loại kỹ lưỡng để loại bỏ tạp chất, cỏ dại, lép lửng… đảm bảo đúng tiêu chuẩn nhà nước.

Công nghệ nhân giống được chuyển giao, giúp cho người dân vùng thực hiện Dự án nắm rõ giống đạt tiêu chuẩn để lựa chọn và cách sản xuất giống, từ đó dẫn đến giống không bị thoái hóa làm ảnh hưởng đến. Doanh nghiệp có thể tự chủ trong việc cung ứng giống để sản xuất hàng hóa mà không phải phụ thuộc vào nơi khác cung ứng.

* Ruộng giống:

- Đất: Ruộng sản xuất lúa xác nhận được bố trí trên chân đất có tầng canh tác dầy, thuận tiện tưới tiêu, sạch cỏ dại và sâu bệnh, không còn sót lúa của vụ trước mọc lại, ít bị tác động bởi các điều kiện ngoại cảnh bất thuận.

- Cách ly:Ruộng giống được cách ly với các ruộng lúa xung quanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về  hạt giống lúa QCVN 01-54:2011/BNNPTNT)

 Cách ly không gian: ruộng lúa giống cách các ruộng trồng giống khác ít nhất là 3m.

Cách ly thời gian: ruộng lúa giống có thời gian trỗ lệch so với các giống khác 15 ngày.

- Tỉ lệ cây khác dạng và cỏ dại:cây khác dạng không vượt quá 0,05%, cỏ dại không quá 0,01%.

* Thời vụ:

- Vụ Xuân: gieo mạ 20/1 - 10/2 (trà Xuân muộn), cấy trong tháng 2.

            - Vụ Mùa: gieo mạ 25/6-5/7 (trà Mùa chính), cấy trong tháng 7

* Làm mạ:

- Ngâm ủ hạt giống:

+ Đối với lúa CNC11: Hạt giống nguyên chủng được đãi và ngâm trong nước sạch và ấm, ngâm trong vòng 25-36 giờ cho đến khi no nước, sau đó lấy ra rửa chua, để ráo nước, ủ ở nhiệt độ 28 - 35ºC trong 25- 36 giờ, đến khi hạt nảy mầm khoảng 0,5 cm thì đem gieo. Mật độ gieo mạ: 40 kg/ha.

+ Đối với lúa QJ1:Hạt giống nguyên chủng được đãi và thời gian ngâm 72 giờ hạt giống liền vụ (có xử lý thuốc kích thích nảy mầm, hoặc axit Nitoric HNO3 nồng độ 3/1.000); thời gian ngâm 60-70 giờ đối với hạt giống qua vụ; có thay nước 2 - 3 lần; không để ngâm trong nước quá chua. Sau đó đãi sạch, rửa chua để ráo nước, đem ủ bình thường như các giống lúa thuần khác. Khi mạ gai dứa (mầm và rễ mọc đều) đem gieo. Mật độ gieo mạ: 40 kg/ha.

 - Làm đất:Chọn đất màu mỡ, không bị nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn, hệ thống tưới tiêu chủ động, đất được cày, xới kỹ, làm nhuyễn, sạch cỏ dại. Lên luống có chiều rộng 1,2-1,4 m, rãnh rộng 25–30 cm, mặt luống phẳng, không đọng nước.

* Ruộng cấy

(Ảnh: minh hoạ)

- Đất:đất bằng phẳng, chủ động nước, cày, xới kỹ.

- Cấy:Tiến hành cấy khi mạ được 2,5-3 lá, lúa cấy 1 -2 rảnh, khoảng cách 20x12 cm (30–35 khóm/m2), cấy theo luống, mỗi băng 2-3 m, khoảng cách giữa các luống là 30 cm. Mạ nhổ xong phải cấy trong ngày. Nếu cấy theo công nghệ  hiệu ứng hàng biên thì cấy: Hàng sông lớn 36cm, sông nhỏ 19cm, cây cách cây 22cm.   

- Bón phân

Phân bón: Tùy điều kiện thâm canh có thể bón (cho 1 sào = 360 m2)  phân chuồng (phân hữu cơ) 285-350 kg/sào (nếu không có phân chuồng thì dùng phân vi sinh lượng 15 -20 kg/sào) + Đạm Urê 7-8 kg/sào +  Supe lân 14-18 kg/sào + Kali 5-7 kg/sào. Nếu ruộng chua cần bón thêm 10-15 kg/sào vôi bột.

+ Đối với lúa CNC11:

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 100% Lân + 50% Đạm Urê + 50% Kali.

Bón thúc lần 1: Khi mạ được 2,0 - 2,5 lá: 40% Đạm Urê + 50% Kali.

Bón tiễn chân: Trước khi cấy 3 - 4 ngày với số phân đạm còn lại.

+ Đối với lúa QJ1:                  

Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + 100%Lân  + 40% Đạm Ure + 30% Kali.

Bón thúc (sau cấy 10 – 15 ngày, khi lúa mở lá): 50% Đạm Ure.

Bón đón đòng (khi lúa đứng cái): 10% đạm Ure + 70% Kali.

- Điều tiết nước: Giữ mực nước 1-2cm trước khi cấy. Sau cấy 3 ngày lấy nước cho vào từ từ khoảng 2-3 cm, khi lúa đã đẻ nhánh cho thêm nước vào nhưng không cao quá 10 cm. Khi lúa chín khoảng 70% thì rút cạn nước để lúa mau chín và ruộng khô dễ thu hoạch.

- Quản lý cỏ dại và phòng trừ sâu bệnh: Sau khi cấy 1 ngày ruộng lúa được rút cạn nước rồi phun thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm (hoặc kết hợp với giữ nước 2-3cm để hạn chế cỏ dại). Ruộng lúa thường xuyên được kiểm tra sâu bệnh định kỳ 3-5 ngày/lần để phát hiện sâu bệnh và kịp thời xử lý. Ruộng lúa được làm cỏ bằng tay giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng, trỗ và trước thu hoạch. Sử dụng một số thuốc BVTV như Shepatoc 250WP; Gasrice 15 EC, Lervil 50SC; chess 50WG; validacin 5L; Anvil 5SC; Nativo 750WG ... để phòng trừ sâu, bệnh hại.

            - Khử lẫn

            Trong quá trình sản xuất lúa giống lúa xác nhận , ruộng lúa được tiến hành khử lẫn 3 lần.

Lần 1: Sau khi cấy 10 -15 ngày nhổ bỏ những bụi lúa lẫn.

            Lần 2: Khử lẫn trong thời gian trỗ, cắt bỏ sát gốc những cây trổ sớm hoặc trễ hơn so với những ngày trổ tập trung của quần thể ruộng giống.

            Lần 3: Sau khi lúa đã xuôi bông, cắt bỏ những cây khác nhau về chiều cao cây, dạng lá đồng, dạng cổ bông, dạng bông, cách đống hạt trên bông, dạng hạt và màu sắc hạt.

            * Kiểm định đồng ruộng

Trong quá trình sản xuất lúa giống lúa  CNC11 nguyên chủng, ruộng lúa được tiến hành kiểm định 3 lần.

Lần 1: Sau khi cấy 10 -15 ngày, loại bỏ những cây khác dạng.

Lần 2: Lúa trỗ khoảng 50%,  loại bỏ những cây khác dạng.

Lần 3: Trước thu hoạch (lúa chín), loại bỏ những cây khác dạng.

* Thu hoạch và bảo quản.

            Lúa được thu hoạch bằng máy gặt liên hoàn; trước khi thu hoạch máy gặt được làm vệ sinh sạch và gặt riêng; bao bì và các dụng cụ thu hoạch khác được bảo đảm không để lẫn tạp giống sau thu hoạch.

            Lúa được tiến hành thu hoạch khi chín 85-90%. Tập trung cắt nhanh, phơi hoặc sấy luôn. Độ ẩm sau phơi (sấy) phải đạt 14%, làm sạch hạt, lấy mẫu kiểm nghiệm, đóng bao và bảo quản.

Theo:  Ứng dụng KHCN XD mô hình sx lúa, gạo chất lượng cao tại tỉnh Bắc Giang

BBT