Chúng ta đang tồn tại một nền sản xuất nông nghiệp còn nhiều lạc hậu, phân tán và cung chưa gắn được với cầu, với hệ thống phân phối. Không ít người nông dân vẫn duy trì thói quen sản xuất theo phong trào mà không theo tín hiệu của thị trường, cho nên thường xuyên xảy ra câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
 
Nhằm khắc phục những điểm yếu của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ và thiếu gắn kết trong chuỗi sản xuất, hướng tới một nền nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, từ những năm 2000, Việt Nam đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Trong xu hướng phát triển chung của cả nước, đứng trước những diễn biến phức tạp của thị trường, Bắc Giang cũng luôn quan tâm tới “bài toán” tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa. Với cách làm sáng tạo, thành công bước đầu của một trong những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở thành phố Bắc Giang đã và đang mở ra hướng đi hiệu quả.
 
Đi vào hoạt động từ năm 2013, đến nay, Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn (RAT) Đa Mai đã cung cấp nhiều sản phẩm RAT, trở thành mặt hàng quen thuộc đối với người nội trợ trong và ngoài thành phố Bắc Giang. Hiện, tổng diện tích gieo trồng được công nhận là 5,7ha với 50 hộ sản xuất thường xuyên các loại rau ngắn ngày như: Đậu đỗ, bầu, bí, xà lách… thuộc cánh đồng Ráu (thôn Đọ và thôn Đình), phường Đa Mai. Để giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm RAT, toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc đều được các thành viên Hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình VietGAP, được kiểm tra định kỳ tại từng thửa ruộng. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế tối đa, chủ yếu là sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và khống chế dư lượng trong phạm vi cho phép. 
 
Theo chị Lương Thị Diện, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ RAT Đa Mai: Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng và xây dựng thương hiệu, Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã đã mạnh dạn mở một số đại lý tiêu thụ tại những khu vực trung tâm thành phố Bắc Giang như phường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ, chợ Hà Vị… Trên từng sản phẩm đều ghi rõ địa chỉ sản xuất. Từ năm 2015, Hợp tác xã còn chủ động liên hệ giới thiệu sản phẩm đến các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp và một số siêu thị trên địa bàn. Bước đầu nắm bắt phản hồi từ người tiêu dùng, tuy giá thành cao hơn so với rau thị trường nhưng ngày càng nhiều khách hàng lựa chọn sản phẩm RAT của Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ RAT Đa Mai”.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, khó khăn cũng nảy sinh khi rau sạch của Đa Mai vì chưa có thương hiệu nên rất khó vươn ra các thị trường lớn khác trong cả nước. Dù bà con đã cố gắng ngược xuôi, tự đi phân phối, nhưng lượng tiêu thụ mới bằng một nửa so với lượng sản xuất mỗi ngày. Tình trạng này chỉ thật sự chuyển biến khi HTX Sản xuất và Tiêu thụ RAT Đa Mai chọn lựa liên kết với Liên hiệp HTX Tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) trong việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm rau sạch. Từ đây, các xã viên của HTX Sản xuất và Tiêu thụ RAT Đa Mai chỉ phải lo tập trung sản xuất, còn đầu ra đã có UCA chịu trách nhiệm, chấm dứt tình trạng sản phẩm không tiêu thụ được hay bị thương lái ép giá. Mặt khác, UCA còn hỗ trợ nông dân chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, bảo đảm an toàn thực phẩm cho cả người sản xuất và tiêu dùng. Phó Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Tiêu thụ RAT Đa Mai Nguyễn Thị Thắm hồ hởi chia sẻ: “Liên kết đã và đang mở ra hướng đi hiệu quả kinh tế cao, tạo ra động lực cho các HTX tham gia mô hình cung ứng thực phẩm an toàn của UCA. Từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi ngày HTX Đa Mai đưa ra thị trường khoảng gần một tấn rau, củ các loại, trong đó 40% được tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Bắc Giang… số còn lại do UCA bao tiêu. Được biết, ngoài Đa Mai, UCA còn hợp tác với nhiều HTX và công ty liên kết khác, xây dựng thành công chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản Việt, góp phần nâng cao giá trị cho các sản phẩm này.
 
Đây chỉ là một trong số những mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng nông sản được triển khai có hiệu quả trên địa bàn thành phố Bắc Giang trong thời gian qua. Thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các xã, phường của thành phố Bắc Giang đều chọn 1-2 sản phẩm thế mạnh của địa phương để phát triển theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ. Theo đó, đến nay, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao như trồng hoa ở Dĩnh Trì, Song Mai, Tân Mai; chuyên canh rau an toàn ở Đa Mai, Tân Tiến; trồng cây cảnh ở Đồng Sơn, Tân Mỹ… 
 
Để tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trước hết, chính quyền các địa phương cần xác định rõ đâu là lợi thế của vùng để thực hiện quy hoạch sản xuất, đó cũng chính là chủ trương của thành phố Bắc Giang khi xác định tập trung phát triển những loại nông sản là lợi thế như RAT, hoa, cây cảnh, thủy sản… Trong đó, thành phố Bắc Giang đã hoàn thành quy hoạch 6 vùng rau an toàn tại 4 xã, phường (Đa Mai, Song Mai, Tân Tiến, Tân Mỹ). Bên cạnh đó, Nhà nước có thể thực hiện việc cung cấp những thông tin chiến lược, mang tính định hướng lớn về thị trường. Đồng thời, tiến hành tìm kiếm và mở rộng thị trường. Quan trọng nhất là Nhà nước cần tạo ra nhiều hơn nữa các cơ chế khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất và xây dựng chuỗi cung ứng như ưu đãi về vốn, về thuế hay mặt bằng… đồng thời tập trung xây dựng một môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng, lành mạnh.
 
Có thể thấy, để thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm phải gắn kết được nhà sản xuất vào các chuỗi cung ứng, hoạt động theo tín hiệu và cơ chế thị trường. Trong chuỗi đó, khâu thị trường là quyết định và phải do doanh nghiệp thực hiện. Mỗi Bộ, ngành, theo chức năng của mình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhưng cần đặt trong chiến lược tổng thể nhằm tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Nếu không làm như vậy, sản xuất vẫn sẽ tiếp tục phân tán, năng lực chế biến vẫn thấp, đầu ra các sản phẩm lại phải dựa vào mối quan hệ với thương lái, lên cao bán cao, xuống thấp bán thấp và câu chuyện “đội giá” trong lưu thông vẫn tiếp diễn./.
 
Nguyễn Thắng