Nền nông nghiệp nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, đòi hỏi nhiều yếu tố, quy chuẩn khắt khe hơn trong sản xuất. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một xu hướng tất yếu tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Trên địa bàn tỉnh, hiện nay đã xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với các phương thức sản xuất khác nhau đã từng bước phát huy hiệu quả.
Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới ở thôn Gai, thị trấn Đồi Ngô là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện Lục Nam được xây dựng bảo đảm đúng thiết kế quy chuẩn với khu nhà lưới rộng hơn 1.400m2, kết cấu khung bằng vật liệu ống sắt không gỉ; xung quanh quây kín bằng lưới chống côn trùng cao khoảng 2m. Toàn bộ mái nhà lưới được lắp tấm ni-lông chịu nhiệt có độ bền cao. Đặc biệt, tại đây có hệ thống tưới nước tự động theo nhiều chế độ phun và nhỏ giọt để phục vụ sản xuất. Bởi vậy, mô hình rất thích hợp áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ khu nhà lưới chia sẻ: “Sản xuất theo hình thức này sử dụng rất ít các loại thuốc vì hệ thống lưới bảo vệ, nếu có sử dụng thì đều là thuốc nguồn gốc tự nhiên không ảnh hưởng tới sức khỏe con người, năng xuất và chất lượng sản phẩm cũng cao hơn nên thị trường rất ưa chuộng, hiện nay lượng rau sản xuất ra cung không đủ cầu”.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một nhiệm vụ, nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân. Trong thời gian qua, Sở NN và PTNT đã và đang tích cực tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh và đề xuất các chính sách khuyến khích các thành phần đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình sản xuất phát huy hiệu quả như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp rau an toàn Tiến Bình (xã Song Mai, TP Bắc Giang), Mô hình trồng thủy canh công nghệ cao tại HTX Hoài Long (Thôn Kiểu, xã Bích Sơn, Việt Yên); mô hình trồng khoai tây Đức của HTX Khang Thịnh, mô hình trồng măng tây xanh tại xã Tự Lạn...
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu mà tỉnh đang hướng tới nhằm tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất và làm cơ sở chuyển nhanh nền nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Chỉ khi các khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh hình thành và phát triển mạnh, nông nghiệp tỉnh ta mới trở thành nền nông nghiệp hiện đại, hữu cơ, an toàn và bền vững.
Thách thức trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, rào cản lớn nhất đối với tỉnh ta hiện nay là tình trạng tự phát do đặc thù sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ là chủ yếu; tiềm lực khoa học, công nghệ như nhân lực, nguồn vốn, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật… còn thấp; nhận thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của nông dân còn hạn chế cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với tỉnh, lực lượng lao động này phải biết tìm hiểu thông tin, cân nhắc khi sản xuất, không làm theo thói quen sản xuất tự phát, mà phải biết làm việc theo đơn đặt hàng, khoa học, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp chính là bước đệm để sản xuất ra cây, con giống cung ứng cho nông dân, từ đó tạo ra chuỗi giá trị với doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng đầu năm 2017, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất, tiếp tục triển khai 22 mô hình ứng dụng công nghệ tại 8 huyện, thành phố, với những sản phẩm đặc trưng tại địa phương như: mô hình rau hữu cơ tại xã Quang Thịnh, mô hình nuôi trồng nấm trong nhà lạnh tại xã Tiên Lục (huyện Lạng Giang), mô hình sản xuất rau thủy canh, tưới nhỏ giọt cho cây măng tây xanh (huyện Việt Yên). Song song quá trình đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đỗng mẫu... từ đó phát huy thế mạnh tại địa phương, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập, để sản phẩm nông nghiệp tình nhà đủ sức cạnh tranh, tạo dựng được thương hiệu mạnh ở thị trường trong nước và quốc tế rất cần đến sự đầu tư bài bàn, khoa học và hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Từ thực thế tại địa phương, tỉnh Bắc Giang cần phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đào tạo và hỗ trợ người nông dân trong sản xuất với sự đồng hành của mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp và nhà nông, từ đó tạo hướng đi đột phá cho nền nông nghiệp tỉnh nhà thêm khởi sắc trong tương lai./.
Theo Minh Anh -BGTV
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)