TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 người dân của thành phố được sử dụng sản phẩm rau, quả an toàn (có chứng nhận) đạt 20% trở lên, trong đó người dân ở khu vực nội thành đạt từ 30% trở lên.
Theo đó, thành phố hướng tới hình thành các mô hình tổ chức quản lý sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau, quả an toàn tập trung. Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từng bước nâng cao nhận thức và thói quen trong việc sử dụng các sản phẩm sạch của người tiêu dùng.
 
Đến thời điểm này, UBND TP Hải Dương đã xây dựng kế hoạch “Sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn giai đoạn 2017 - 2020”. Theo đó, sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch các vùng sản xuất, xây dựng và quản lý quy trình sản xuất, cấp giấy chứng nhận, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến việc xây dựng các kênh tiêu thụ sản phẩm. Tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) trong việc tổ chức thực hiện theo chuỗi từ sản xuất, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm.
 
Trên cơ sở quy hoạch chi tiết của các phường, xã, sẽ tổ chức khảo sát, quy vùng sản xuất rau, quả an toàn giai đoạn 2017 - 2018 gồm: Phường Nhị Châu có 5ha tập trung trồng các loại rau ăn lá, gia vị theo quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP và 1ha nhà lưới áp dụng tưới tự động do hộ nông dân liên kết với doanh nghiệp thực hiện.
 
Tại xã Thượng Đạt tập trung sản xuất các loại rau, quả theo quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP trên diện tích 20ha. Trong đó, xây dựng 0,5ha nhà lưới và 1ha ngoài trời áp dụng tưới tự động, do HTXNN liên kết với doanh nghiệp thực hiện; xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Cà chua Thượng Đạt”.
 
Các xã An Châu, Nam Đồng, Tân Hưng tập trung sản xuất các loại rau, quả theo quy trình sản xuất hữu cơ, VietGAP trên diện tích 50ha. Xây dựng 9ha nhà màng áp dụng tưới tự động và 5ha ngoài trời áp dụng tưới tự động do doanh nghiệp thực hiện.
 
Về tiêu thụ, ngay trong năm 2017, sẽ mở 4 - 5 cửa hàng chuyên kinh doanh hàng nông sản an toàn do thành phố sản xuất. Trong đó có 2 cửa hàng kinh doanh tổng hợp (rau, quả, gạo, các sản phẩm chế biến từ tinh bột và thực phẩm) và 2 - 3 cửa hàng chuyên kinh doanh rau, quả.
Ngoài phục vụ người tiêu dùng tại chỗ, TP Hải Dương còn xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm rau, quả an toàn cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng… Theo đó, sản phẩm rau, quả an toàn của xã Nhị Châu sẽ được cung ứng cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị Vineco; Sản phẩm của xã Thượng Đạt được cung ứng cho thị trường Hà Nội thông qua Cty cổ phần Green Fam Mộc Châu; Sản phẩm của xã An Châu cung ứng cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng thông qua hệ thống tiêu thụ của Tập đoàn Vingroup; Sản phẩm của xã Tân Hưng cung ứng cho thị trường Hà Nội thông qua khách hàng của Cty TNHH Grefmy.
 
"Qua quá trình đi kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy thực phẩm an toàn của nông dân nhiều khi không tiêu thụ được. Người tiêu dùng muốn mua thực phẩm an toàn nhưng lại không biết mua ở đâu. Nhận thức được vấn đề đấy, chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển và nâng cao an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2017 - 2020 để tổ chức chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn bài bản", ông Trương Mạnh Long, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Dương.
 
Theo Dương Trường - Trần Hồ (nongnghiep.vn)