Những năm qua, tiềm năng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từng bước được đánh thức, nhất là sau khi các tổ chức, cá nhân ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng bằng công nghệ nuôi cấy mô, giâm hom. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp còn gặp không ít khó khăn nên kết quả chưa tương xứng với tiềm năng; đóng góp vào GDP của tỉnh, hiệu quả sử dụng đất và thu nhập của phần lớn người trồng rừng còn thấp.
Nhiều diện tích chưa có chủ thực sự
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT), Bắc Giang có diện tích đất lâm nghiệp (rừng và đất chưa có rừng) gần 160 nghìn ha, chiếm gần 42% diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên 63,5 nghìn ha, rừng trồng 80,8 nghìn ha, còn lại là đất trống đồi núi trọc hoặc đất trồng vải thiều, cây ăn quả khác. Khoảng 10 năm trở lại đây, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi các công ty lâm nghiệp ứng dụng thành công tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng thông qua việc nhân giống cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô, giâm hom. Với những ưu điểm nổi trội như: phát triển đồng đều, năng suất cao và chu kỳ kinh doanh được rút ngắn, giống cây mới này không chỉ tạo ra phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn phát triển sâu rộng mà còn làm nổi bật vai trò của kinh tế lâm nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đối tượng tham gia trồng rừng đã có sự thay đổi mạnh. Nếu như trước đây chỉ có người dân các huyện miền núi thì nay nhiều cá nhân ở các địa phương khác cũng thuê đất hoặc mua quyền sử dụng đất tại các huyện này để trồng rừng. Mỗi năm, Bắc Giang trồng mới khoảng 5 nghìn ha rừng tập trung. Giai đoạn 2006-2010 trồng rừng tập trung đạt 24,9 nghìn ha, vượt khoảng 10 nghìn ha so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Năm 2011, mặc dù vốn hỗ trợ của Nhà nước giảm mạnh nhưng toàn tỉnh vẫn trồng mới hơn 5,4 nghìn ha, trong đó người dân tự đầu tư trồng 1,6 nghìn ha rừng. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng những năm gần đây đạt bình quân hơn 100 nghìn m3/năm với giá trị hàng hóa hàng trăm tỷ đồng, gấp hơn 4-5 lần so với thời kỳ khai thác gỗ rừng tự nhiên. Đặc biệt, tỉnh ta đã hình thành vùng rừng nguyên liệu tập trung với diện tích khoảng 50 nghìn ha.
Mặc dù có chuyển biến tích cực song sản xuất lâm nghiệp còn gặp không ít "rào cản". Chi cục Kiểm lâm cho biết, hiện nay, đất lâm nghiệp trên địa bàn được giao cho ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng hơn 30 nghìn ha; các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (doanh nghiệp nhà nước) 14,5 nghìn ha; hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư hơn 100 nghìn ha; còn lại do các tổ chức kinh tế khác, đơn vị vũ trang quản lý. Trong đó, từ năm 2009 đến nay, thực hiện Đề án giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2009-2013, toàn tỉnh đã đo đạc, lập hồ sơ giao gần 60 nghìn ha đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư quản lý, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Qua đó tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp thông qua việc xác lập quyền làm chủ để sản xuất kinh doanh, hưởng lợi từ rừng. Thế nhưng, vẫn còn hàng trăm ha đất lâm nghiệp hiện chưa có chủ thực sự. Ông Dương Xuân Bánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: "Trong quá trình thực hiện Đề án này, các hộ dân ở thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn và thôn Văn Non, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam chưa nhất trí với phương án giao rừng của địa phương, muốn được giao diện tích nhiều hơn nên hiện nay còn khoảng 500 ha đất lâm nghiệp chưa giao được tới hộ dân và cộng đồng dân cư". Ngoài ra, UBND cấp xã còn đang quản lý hơn 1 nghìn ha đất lâm nghiệp trong kế hoạch cho doanh nghiệp thuê nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục. Không chỉ có vậy, nhiều tổ chức, cá nhân được giao đất nhưng lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến nay toàn tỉnh mới cấp khoảng 59 nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân với diện tích tương ứng 74.128,5 ha. Đối với tổ chức, ngoài Lâm trường Đồng Sơn và Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn (Lục Ngạn) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu cũ từ năm 2000, hiện chưa có doanh nghiệp hay ban quản lý rừng nào được cấp giấy chứng nhận này. Nguyên nhân là do thiếu kinh phí cho công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính; một số công ty được tỉnh cho thuê rừng và đất lâm nghiệp nhưng chưa nộp phí đo đạc bản đồ theo quy định của tỉnh. Do chưa có "sổ đỏ" nên nhiều hộ dân và đơn vị không yên tâm đầu tư lâu dài. Ở một số nơi, ranh giới đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng không rõ ràng đã nảy sinh tranh chấp đất đai. Đáng lo ngại là tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng, nhất là đối với những diện tích do một số tổ chức cắt ra, bàn giao lại cho UBND xã tạm thời quản lý. Trong những năm gần đây, huyện Sơn Động là địa phương xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nhất. Năm 2008, người dân xã Long Sơn và Dương hưu đã tự ý lấn chiếm hàng trăm ha đất lâm nghiệp do các lâm trường bàn giao lại cho địa phương. Năm 2011, tình trạng trên lại tái diễn tại hai xã này và phát sinh tại An Lạc. Việc lấn chiếm diễn ra trong thời gian dài nhưng việc xử lý vi phạm còn hạn chế, chế tài xử phạt thấp nên tính răn đe không cao, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tái phạm lớn nếu chính quyền, ngành chức năng không có những biện pháp "mạnh tay".
Thiếu vốn đầu tư thâm canh
Thiếu vốn đầu tư trồng rừng cũng là một trong những "nút thắt" trong phát triển lâm nghiệp hiện nay. Do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên việc tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các công ty lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ông Chu Bá Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Sơn Động nói: "Ngân hàng yêu cầu có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho vay vốn nhưng doanh nghiệp lại chưa được cấp nên nhiều năm gần đây chúng tôi không tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư trồng rừng phải huy động vốn từ chính cán bộ, công nhân viên đơn vị. Nhiều chương trình, dự án cũng đành gác lại…". Bên cạnh đó, hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp được giao cho hộ dân nhưng hầu hết các gia đình ở miền núi đời sống khó khăn lại chưa được vay vốn đầu tư theo phương thức thâm canh rừng để có năng suất và thu nhập cao trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp. Trong khi đó, vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho trồng rừng kinh tế mỗi năm chỉ được vài tỷ đồng với diện tích rừng trồng tương ứng từ nguồn vốn hỗ trợ này khoảng 1,5-2 nghìn ha. Năm 2011, ngân sách Trung ương và tỉnh hỗ trợ trồng rừng hơn 3 tỷ đồng chỉ đủ trồng hơn 960 ha rừng tập trung và hơn 91,6 nghìn cây phân tán.
Không chỉ có vậy, lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp ở nông thôn miền núi còn nhiều người chưa qua đào tạo, tập huấn nên vẫn sản xuất lâm nghiệp theo thói quen, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Thực tế cho thấy đối với diện tích rừng do hộ dân tự đầu tư thường trồng mật độ cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn quy định; cuốc lấp hố không đúng quy cách; mức đầu tư chăm sóc sau khi trồng rất thấp... Công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn cũng chưa phát triển mạnh. Theo tổng hợp của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh có 411 cơ sở chế biến lâm sản (trong đó có 73 doanh nghiệp, còn lại là hộ gia đình) nhưng thiết bị lạc hậu nên chủ yếu là sơ chế gỗ đóng đồ gia dụng, xẻ ván thanh, bóc gỗ… chưa chú trọng tới việc tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh (trừ một số làng nghề và hộ dân). Kế hoạch cho doanh nghiệp thuê rừng để đẩy mạnh sản xuất với chế biến gỗ theo Đề án giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cũng chưa hoàn thành bởi hiện nay mới có 2/3 doanh nghiệp được thuê đất lâm nghiệp ở Yên Thế và Sơn Động. Bên cạnh đó, chất lượng cây giống trồng rừng cũng là vấn đề đáng quan tâm. Do hiệu quả từ rừng kinh tế lớn nên nhu cầu về cây giống tăng mạnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã nắm bắt cơ hội này gieo ươm nhân giống cây lâm nghiệp cung ứng ra thị trường. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 cơ sở gieo ươm nhân giống cây lâm nghiệp (tính cả hộ dân) với năng lực sản xuất khoảng 25 triệu cây/năm. Số cơ sở gieo ươm nhân giống nhiều nhưng số chủ cơ sở chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực này lại ít nên còn tình trạng cây giống chưa được quản lý theo chuỗi hành trình nhưng vẫn cung ứng ra thị trường. Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) khẳng định, hiện nay, đơn vị mới chỉ chứng nhận nguồn gốc cho 70-80% trong tổng số cây giống gieo ươm trên địa bàn tỉnh. Những cây giống "ngoài luồng" này có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng rừng trồng sau này gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư khi cây trồng nhiễm bệnh.
Huy Nam
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)