Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” với sự tham gia của hơn 250 đại biểu đến từ 7 tỉnh vùng núi phía Bắc.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, công tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân vẫn còn lỏng lẻo, sản phẩm vẫn chưa tiêu thụ được nhiều, tình trạng “phá kèo” trong các hợp đồng liên kết SX tiêu thụ sản phẩm, tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn là nỗi lo đối với người SX.
Nhiều nông dân chưa quen với việc SX theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn SX theo hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về SX và tiêu thụ ổn định. Các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ, khả năng định hướng SX, tiếp cận thị trường và phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ còn hạn chế, thiếu vốn để phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
 
Mặt khác, cơ chế chính sách của nhà nước khá đa dạng nhưng còn dàn trải, chưa tập trung giải quyết những yêu cầu cấp thiết trong tổ chức SX, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chính sách cũng chưa đến tính đa dạng của các mô hình liên kết ở các vùng, miền, lĩnh vực SX khác nhau (lúa, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản…).
 
Cũng theo bà Hạnh, thị trường cả nội tiêu và xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu và có thế mạnh của Việt Nam đang ngày càng rộng mở, khối lượng hàng hóa tiêu thụ cũng như giá trị sản phẩm đang ngày một tăng cao.
 
Tuy nhiên các thị trường này cũng đang trở nên ngày một khó tính hơn, có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn đối với người tiêu dùng và môi trường. Chính vì vậy, việc SX và cung ứng các mặt hàng nông sản cũng đang đòi hỏi nỗ lực không ngừng của các bên liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và bà con nông dân trong chuỗi cung ứng nhằm giữ vững uy tín thương hiệu, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
 
“Cả nước hiện có 21 liên hiệp và 10.726 HTX nông nghiệp. Bình quân 1 tỉnh có 170 HTX, trong đó lớn nhất là Bắc Trung Bộ với 373 HTX/tỉnh, đồng bằng sông Hồng là 327 HTX/tỉnh. Đã có hàng trăm chuỗi liên kết SX, tiêu thụ sản phẩm, trong đó có nhiều mô hình liên kết đạt kết quả cao như mô hình liên kết nông dân - doanh nghiệp SX lúa nguyên liệu tập trung quy mô lớn ở các cánh đồng mẫu lớn. Các mô hình HTX trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo các tiêu chuẩn GAP, VietGAP phục vụ nội tiêu và xuất khẩu…”, bà Hạnh cho biết thêm.
 
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết, cơ cấu giá trị SX trong nội bộ nghành nông nghiệp của tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi; chăn nuôi của tỉnh đã thực sự trở thành nghành SX chính. Năm 2010, trồng trọt là 45,7% và chăn nuôi là 48,6%; đến năm 2016, trồng trọt giảm xuống còn 35,2% và chăn nuôi đã tăng lên đạt 55,56%. Nhờ đó đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 1,5 - 2%, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
 
Tuy nhiên, theo ông Dũng, SX nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn một số hạn chế như quy mô SX nhỏ, SX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản và chế biến còn hạn chế, các nhóm hộ và HTX chưa có khả năng kết nối thị trường, số lượng doanh nghiệp tham gia vào SX nông nghiệp vẫn còn ít nên khó SX theo quy mô lớn.
 
 
Người dân tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm sạch của HTX Vân Hội Xanh
 
Việc quản lý giám sát vật tư, đầu vào cho SX như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y chưa được kiểm soát thường xuyên, liên tục, vẫn còn tình trạng kinh doanh doanh vật tư nông nghiệp nhỏ lẻ trong các thôn, xóm gây không ít khó khăn cho việc quản lý chất lượng đầu vào.
 
Một bộ phận bà con nông dân khi SX còn chạy theo lợi nhuận, lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, chất tăng trưởng trong chăn nuôi, không đảm bảo thời gian cách ly theo quy định gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
 
“Với mục tiêu phát triển bền vững, để thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có giá trị tăng cao”, ông Dũng nhấn mạnh.
 
Tại diễn đàn, Ban chủ tọa cùng Ban cố vấn đã trả lời hơn 40 câu hỏi của người dân liên quan đến các vấn đề như việc tiêu thụ sản phẩm; quy mô sản xuất; giá cả nông sản; cơ chế chính sách; kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước…
 
Bà Lại Thị Kim Thoa (huyện Tam Đảo) hỏi: “Hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc có những cơ chế, chính sách gì hỗ trợ phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng?”.
 
“Trong giai đoạn hiện nay, đối với bò sữa tại 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch tham gia dự án thì hỗ trợ 6 triệu đồng/con. Lợn đực là 5 triệu đồng/con, lợn nái là 2 triệu đồng/con. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cả bò và lợn, hỗ trợ dự án xử lý chất thải trong chăn nuôi (hầm biogas). Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ các loại thuốc vacxin chống lở mồm long móng, dịch tả lợn… cho người chăn nuôi”, ban cố vấn trả lời.
 
“Để phát triển thị trường nông sản như ngô, ớt, khoai tây, rau… xuất khẩu ra một số nước thì các tổ chức, cá nhân cần phải có điều kiện như thế nào?”, ông Đặng Văn Hòa (huyện Tam Dương) hỏi.
 
Ban cố vấn trả lời: “Trước tiên, sản phẩm của chúng ta phải đủ lớn, phải có liên kết vào các doanh nghiệp đi đầu, gom lại lượng hàng lớn để xuất khẩu ra nước ngoài. Khi lượng sản phẩm đủ lớn thì phải duy trì ổn định. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, theo căn cứ, quy định của từng nước mà mình muốn xuất khẩu”.
 
Bà Phạm Thị Chính (huyện Yên Lạc) hỏi: “Cho gia súc, gia cầm ăn ngô biến đổi gen có hại đến sức khỏe con vật nuôi không?”.
 
“Đa số ngô biến đổi gen đều an toàn về sinh học cũng như an toàn về thực phẩm nên bà con cứ yên tâm cho gia súc, gia cầm ăn bình thường”, ban cố vấn gải đáp.
 
Theo nongnghiep.vn