Trước thông tin nhiều loại rau củ quả trên thị trường hiện nay chứa hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình sản xuất và bảo quản, việc tự trồng rau xanh tiếp tục là xu hướng chung của người dân đô thị. Thế nhưng, rau các hộ tự trồng chưa chắc đã bảo đảm chất lượng.
Tại TP Bắc Giang, không hiếm những vườn rau do các hộ dân tự trồng. Những gia đình sinh sống ở các khu dân cư mới thường tận dụng các lô đất chưa làm nhà để trồng rau. Hộ không có đất thì dùng thùng xốp đặt trên vỉa hè, ban công hoặc sân thượng trồng ít rau cải, mùng tơi, rau đay...Đặc biệt, nhiều hộ còn tận dụng cả đất ven đường giao thông làm một vài luống rau.
Những hộ này có niềm tin lớn rằng, rau mình tự trồng không phun thuốc trừ sâu nên rất sạch, an toàn an tuyệt đối khi sử dụng. Thế nhưng thực tế rau tự trồng kiểu này chưa chắc đã bảo đảm chất lượng. Lý do là để trồng rau cần đất, phân bón và nước tưới (trừ trồng rau thủy canh và khí canh). Đất ở các khu dân cư mới thường là đất pha tạp được chở về từ nhiều nơi, trong thành phần có thể chứa một số chất độc hại. Sinh sống ở thành phố các hộ cũng không có nguồn phân hữu cơ ủ hoai mục nên đa số dùng phân hóa học chăm sóc rau. Khi bón không đúng liều lượng đạm, lân, kali hoặc quá gần ngày thu hoạch gây tích lũy thừa Nitrat (NO3) trong sản phẩm.
Quy trình trồng rau an toàn vẫn được phép dùng thuốc bảo vệ thực vật miễn là loại nằm trong danh mục cho phép, dùng đúng cách và bảo đảm thời gian cách ly. Do đó, rau an toàn không nhất thiết phải cằn khô hay bị sâu cắn mà vẫn có thể đẹp mắt, tuy không đến mức láng mượt như rau không sạch.
Trong quá trình trồng rau không phải hộ nào cũng dùng nước sạch (nước máy) mà còn sử dụng nước ao, hồ, thậm chí cống, rãnh. Nguồn nước ngày thường chứa nhiều kim loại nặng không có lợi cho sức khỏe con người. Đáng lo ngại là những hộ trồng rau ven đường giao thông mà không hề hay biết bụi từ nhựa đường chứa nhiều vi sinh vật cũng như độc tố nguy hiểm, kim loại nặng do các phương tiện giao thông thải ra tích tụ, bám chặt vào bề mặt lá rau, rửa bằng nước cũng không thể loại bỏ hết được.
Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang) khẳng định: Tình trạng các hộ dân trồng rau không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã được cơ quan chuyên môn cảnh báo nhiều nhưng phần lớn không quan tâm và vẫn nghĩ rằng chỉ cần không sử dụng thuốc trừ sâu khi trồng là có sản phẩm rau sạch, an toàn với sức khỏe.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, rau, củ, quả có an toàn hay không phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, môi trường và quy trình trồng trọt của chính người sản xuất. Cụ thể, địa điểm gieo trồng có phù hợp không? Có sử dụng hóa chất phân bón, các chất bảo quản được phép sử dụng hay không? Sử dụng có đúng quy trình hay không? Nếu đáp ứng được những yêu cầu theo quy định thì thực phẩm đó sẽ an toàn. Khái niệm rau an toàn (rau sạch) là các chất sau đây trong rau không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép: Dư lượng thuốc hóa học (nếu vượt quá có thể dẫn đến ngộ độc đồng loạt); số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng (gây tiêu chảy và tiêu chảy cấp); dư lượng đạm nitrat (NO3) và dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asenic, kẽm, đồng...) gây ung thư và một số bệnh khó chữa trị khác).
Những vườn rau sát đường giao thông không hiếm trên địa bàn TP Bắc Giang.
Các hộ dân sinh sống ở thành phố trồng rau ngoài mục tiêu tạo nguồn thực phẩm an toàn, còn là một thú vui (cách để thư giãn), đồng thời tiết kiệm được một khoản chi phí trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, việc này không thể làm theo kinh nghiệm cá nhân mà cần có kiến thức khoa học kỹ thuật, nắm được quy trình sản xuất an toàn. Không thể hiểu đơn giản là cứ không sử dụng thuốc trừ sâu là có rau sạch.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)