Tại Thái Bình, từ lâu khoai tây đã trở thành cây trồng chủ lực trong vụ đông, bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Lợi nhuận của cây khoai tây gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa.
Vụ đông năm nay xã Trọng Quan (huyện Đông Hưng) trồng 75ha khoai tây Đức. Sau khi nhận giống hỗ trợ, bà con nông dân đã hối hả xuống đồng cho kịp thời vụ.
Theo ông Trần Minh Bằng, Giám đốc HTXNN xã Trọng Quan, địa phương là một trong những xã có diện tích trồng khoai tây lớn nhất huyện. Mặc dù vụ đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt là trận lụt vừa qua đã ảnh hưởng đến sản xuất, song xã viên đã khẩn trương trồng lại và trồng bổ sung, diện tích khoai tây của xã đạt 100%.
 
“Sau khi nhận 35 tấn giống khoai tây từ UBND tỉnh, HTX đã phân chia cho các hộ để bà con xuống giống cho kịp thời vụ”, ông Bằng cho hay.
 
Ông Bằng chia sẻ thêm, trồng khoai tây cho năng suất rất cao, dao động từ 5 - 6 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể hơn. Với giá bán như mọi năm là 7 - 8 nghìn đồng/kg thì mỗi sào cũng thu về gần 5 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí còn lời 3 - 3,5 triệu đồng/sào.
 
Vừa bón phân cho cây khoai tây, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Vinh Hoa, xã Trọng Quan vừa bảo: "Vụ đông năm nay được UBND tỉnh hỗ trợ giống nên bà con cũng đỡ được một khoản tiền, chúng tôi chỉ mất tiền phân bón với công chăm sóc".
 
Chị Hạnh phấn khởi cho biết thêm, cây khoai tây cho giá trị cao hơn những cây vụ đông truyền thống khác, với hơn 1 sào nếu chăm sóc tốt, gia đình chị cũng thu lãi gần 5 triệu đồng.
 
“Vì cây khoai tây ưa lạnh nên thời tiết càng lạnh thì năng suất càng cao. Chỉ mong thời tiết ổn định, trời tạnh ráo bà con sẽ chắc chắn thu hoạch vụ khoai tây thắng lợi”, chị Hạnh khẳng định.
 
Tại xã Đông Xá (huyện Đông Hưng), chạy dọc theo những cánh đồng khoai tây, chúng tôi thấy những mầm khoai đang "cựa mình" nhú khỏi mặt đất. Bắt gặp bà Đào Thị Mơ đang phủ rạ để giữ ẩm cho cây, tôi được biết, người dân nơi đây xuống giống đã được khoảng 10 ngày. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã, sau khi được nhận giống hỗ trợ, tranh thủ thủ thời tiết nắng ráo bà Mơ cùng người thân trong gia đình đã tích cực làm vồng, xuống giống.
 
“Vụ đông năm 2017, gia đình tôi trồng gần 3 sào khoai tây. Đây là loại cây cho năng suất cao, đầu ra ổn định nên gia đình đã mở rộng diện tích trồng nhiều hơn so với năm ngoái”, bà Mơ cho biết thêm.
 
Những vồng khoai tây vừa trồng
 
Vụ đông năm nay, để giảm thiểu khó khăn cho bà con nông dân, UBND tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ 100% giống khoai tây với diện tích tăng thêm so với kế hoạch.
Cũng theo bà Mơ, trồng khoai tây vừa nhàn lại ít tốn công sức lao động, chỉ việc kéo đất làm vồng rồi đặt khoai xuống, vãi phân là xong. Hơn nữa, chi phí đầu vào cũng chẳng đáng bao nhiêu.
 
Ông Phạm Văn Hạnh, Giám đốc HTXNN xã Đông Xá đánh giá, khoai tây là cây vụ đông mang lại giá trị kinh tế cao, với giá bán dao động từ 7 - 8 nghìn đồng/kg đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân. “Toàn xã đã gieo trồng 163ha cây màu vụ đông (gồm hành, ngô, bí…), trong đó khoai tây vẫn chiếm diện tích nhiều nhất. Năm nay, UBND tỉnh ủng hỗ xã 31 tấn khoai tây giống nên diện tích trồng khoai tây đã được mở rộng thêm”, ông Hạnh chia sẻ.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng cho biết, toàn huyện trồng 4.500ha cây màu vụ đông, trong đó 600ha khoai tây .
 
“Theo đánh giá của Phòng NN-PTNT huyện, cây khoai tây mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Trung bình, một sào thu hoạch được 5 - 6 tạ, giá bán lại ổn định. Nếu chăm sóc tốt, hơn 2 tháng là được thu hoạch. Năm nay, diện tích trồng khoai tây của toàn huyện đã mở rộng thêm, nhiều hơn so với năm ngoái”, ông Lâm bộc bạch.
 
Theo nongnghiep.vn