Khơi thông các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
Những lợi thế
Những năm gần đây, thị trường lâm sản ngày càng được mở rộng. Nhu cầu về nguyên liệu gỗ gia tăng do các cơ sở chế biến phát triển mạnh; nhu cầu gỗ của thế giới cũng tăng đáng kể. Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bắc Giang lại ở gần các thị trường gỗ trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn - nơi có nhu cầu tiêu thụ gỗ cho chế biến, trụ mỏ và xuất khẩu với khối lượng lớn. Hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt trên địa bàn phát triển kết nối với các vùng miền tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Quỹ đất trồng rừng sản xuất lớn bởi vài chục nghìn ha mới được giao cho hộ dân theo Đề án giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp của tỉnh; nhiều diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt có đủ điều kiện chuyển sang trồng rừng sản xuất theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT và quy định của tỉnh; 15,2 nghìn ha đất trống đồi núi trọc chưa sử dụng và hàng nghìn ha vải thiều trồng trên đất lâm nghiệp hiệu quả thấp (trồng ở những nơi có độ dốc quá lớn) có thể chuyển sang trồng rừng kinh tế. Cùng đó, Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn hỗ trợ người dân trồng rừng nhằm tăng độ che phủ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Lực lượng lao động, nhất là ở các huyện miền núi dồi dào có ít nhiều kiến thức và kinh nghiệm trồng rừng sau một thời gian tham gia sản xuất lâm nghiệp bao gồm cả trồng rừng thâm canh bằng cây mô, hom. Nhận thức rõ lợi ích từ trồng rừng sản xuất nên nhiều hộ chủ động đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao hoặc liên doanh, liên kết với các tổ chức khác trồng rừng cùng hưởng sản phẩm. Không chỉ vậy, Bắc Giang còn có hệ thống các công ty lâm nghiệp quốc doanh (lâm trường trước đây) hoạt động khá hiệu quả. Những năm qua, các đơn vị này đã làm tốt vai trò chuyển giao khoa học kỹ thuật tạo bước đột phá trong sản xuất lâm nghiệp. Ban chỉ đạo và Ban quản lý dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất các cấp được thành lập, đi vào hoạt động có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ trồng rừng hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cho nhân dân lựa chọn cơ cấu cây trồng hợp lý… Đây là những lợi thế lớn trong phát triển sản xuất lâm nghiệp của tỉnh ta so với nhiều địa phương khác. Do vậy, vấn đề khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015 đề ra mục tiêu đối với lâm nghiệp là trồng lại, trồng mới 20.000-25.000 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn chiếm khoảng 20%; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân khoảng 150-200 nghìn m3/năm.
Một số kiến nghị, đề xuất
Đặc thù của sản xuất lâm nghiệp là chu kỳ kinh doanh dài (6-7 năm/chu kỳ hoặc dài hơn) nên để khai thác hiệu quả đất lâm nghiệp và đạt được các mục tiêu đề ra cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những hạn chế trong phát triển lâm nghiệp thời gian qua. Theo ý kiến của lãnh đạo ngành chức năng và các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là "quy chủ", xác định rõ quyền sử dụng đối với từng diện tích đất lâm nghiệp thông qua việc giao đất, giao rừng đi đôi với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và cá nhân. Đồng thời, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm sớm hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn gắn với công nghiệp chế biến lâm sản. Trước đây, chỉ có các hộ dân và các công ty lâm nghiệp nhà nước tham gia sản xuất lâm nghiệp, hiện nay đã có một số cá nhân, doanh nghiệp thông qua tích tụ đất đầu tư trồng rừng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Bái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: "Việc thu hút các thành phần kinh tế có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ tiên tiến gắn với chế biến và tiêu thụ lâm sản có ý nghĩa rất lớn. Lý do là các doanh nghiệp, doanh nhân này sẽ giữ vai trò "bà đỡ" cho các hộ dân, đồng thời thúc đẩy các thành phần kinh tế khác đổi mới và đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản". Từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư bằng việc tranh thủ, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình dự án trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, nhất là hộ dân tiếp cận với nguồn vốn tín dụng trung hạn với mức 50-70% suất đầu tư trồng rừng (trồng rừng thâm canh suất đầu tư khoảng 25 triệu đồng/ha, tăng 1,5 lần so với hiện nay). Ngân hàng nên ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất này và đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất lâm nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng và đưa thêm các giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, phù hợp với đặc điểm đất đai, khí hậu địa phương và nhu cầu của thị trường; tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp theo chuỗi hành trình, đồng thời lai tạo, nhập khẩu những loài cây mới theo hướng mở rộng diện tích cây gỗ lớn, kinh doanh gỗ đa dụng. Vấn đề này rất quan trọng bởi hiệu quả kinh tế từ rừng trồng sẽ tăng lên gấp 2-3 lần nếu là gỗ có thể làm ra các sản phẩm hoàn chỉnh. Những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hầu hết các chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc trồng cây gỗ lớn. Bởi vậy, gỗ rừng trồng hiện chủ yếu được sử dụng trong trụ mỏ, xây dựng hoặc chế biến thành dăm phục vụ sản xuất giấy nên giá trị còn thấp. Gần đây, nhiều công ty lâm nghiệp trồng thí điểm keo Úc. Với ưu điểm thời gian sinh trưởng không dài, chất lượng gỗ tốt có thể bổ sung nguồn cung cấp gỗ gia dụng, đây là điểm nổi trội của giống cây mới này mà nhiều loài cây mô, hom không có. Tiếp tục thực hiện việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt chuyển sang trồng rừng sản xuất đối với những diện tích đủ điều kiện quy định của Nhà nước theo hướng hài hòa các lợi ích và đa dạng cách cải tạo để không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái, nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất và đời sống. Kinh doanh đa dạng khép kín cũng là một giải pháp quan trọng trong phát triển lâm nghiệp. Có nghĩa là trên đất lâm nghiệp không chỉ trồng rừng, mà còn có thể kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâm sản ngoài gỗ như: ba kích, kim tiền thảo, gừng, mây nếp, đinh lăng... Đối với diện tích rừng trồng năm đầu, trên những diện tích thích hợp có thể trồng xen ngô, sắn để tăng thu nhập. Tăng cường liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp với hộ dân và giữa các doanh nghiệp với nhau để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất lâm nghiệp, phát triển các mô hình nông lâm theo hướng sản xuất hàng hóa. Đi đôi với các biện pháp trên cần phát huy vai trò của công ty lâm nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, cung ứng cây giống bảo đảm chất lượng và từng bước chuyển từ chức năng sản xuất sang làm dịch vụ chế biến tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các đơn vị phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng tới người dân; chính quyền, ngành chức năng, nhất là ở các huyện miền núi ưu tiên kinh phí khuyến lâm, tổ chức tham quan, học tập những mô hình trồng rừng tiên tiến giúp người sản xuất làm chủ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lâm nghiệp. Đối với vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, các ngành hữu quan cần tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh, Trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án đo đạc bản đồ lâm nghiệp. Người sản xuất cần tuân thủ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, nắm bắt tốt thông tin thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp.
Huy Nam
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)