Hiện nay, nhiều đơn vị, địa phương đang tập trung xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy có nhiều khó khăn khi thực hiện, nổi bật là thiếu đất sản xuất, vốn đầu tư…
Mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp của Hợp tác xã (HTX) Rau sạch Yên Dũng (Yên Dũng) và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) có sự hỗ trợ từ phía chính quyền được đánh giá bước đầu mang lại hiệu quả. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dĩnh Trì tích tụ được 3 ha, HTX Rau sạch Yên Dũng có 30 ha đất canh tác, được chính quyền hỗ trợ vốn xây dựng nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả sạch và hoa chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Văn Thoa, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Dĩnh Trì, khả năng của đơn vị có thể mở rộng quy mô, thu hút thêm nhiều lao động, xã viên cùng sản xuất nhưng quỹ đất hạn hẹp, phải thuê của các hộ dân theo từng năm hoặc 5 năm nên không yên tâm đầu tư. Hơn nữa, tài sản của HTX hầu như không có, không thể làm bảo đảm để thế chấp vay vốn tín dụng, nhất là nguồn ưu đãi đối với mô hình nông nghiệp CNC. “Mỗi sào hoa ly trồng trong nhà lưới cần khoảng 150 triệu đồng tiền giống, phân bón/lứa, chưa kể phải có nơi sơ chế, bảo quản trong kho lạnh… Thiếu vốn, HTX không thể mở rộng quy mô sản xuất, khó liên kết tiêu thụ, vẫn chỉ làm một vụ hoa ly vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Thoa dẫn chứng.
Tương tự, sau nhiều lần thương lượng, thỏa thuận với các hộ dân, HTX Rau sạch Yên Dũng đã có mặt bằng sản xuất tương đối rộng nhưng vẫn chưa đủ nếu làm ăn lớn. Nhiều thửa ruộng, đơn vị phải thuê giá hơn 1 triệu đồng/sào/năm trong thời gian 10 năm và hiện nay cũng khó để thuê mở rộng thêm. “Chi phí cố định đã lớn, chưa kể các hạng mục phải đầu tư nhiều tiền như làm nhà lưới, nhà màng, thiết bị cho khu chế biến, bảo quản nông sản… trong khi không được vay vốn tín dụng làm khó cho nông nghiệp CNC”, ông Lê Xuân Kiên, Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng phản ánh.
Những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng mô hình nông nghiệp CNC của các đơn vị này cũng là thực trạng chung toàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND các huyện, TP, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào nông nghiệp, nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc, bước đầu hình thành các mô hình mang lại hiệu quả nhưng vẫn đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Đa số các HTX đứng ra xây dựng mô hình nhưng việc tập trung ruộng đất đều do thỏa thuận với các hộ dân để thuê đất, thiếu mặt bằng ổn định, chưa có chính sách hỗ trợ thực hiện nội dung này. Cùng với đó, đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Dũng, Lạng Giang cho rằng, các mô hình cần vốn đầu tư lớn xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, thiết bị và công nghệ trong khi nguồn lực của HTX, chủ mô hình hạn chế, ngân sách hỗ trợ chưa nhiều. Ở huyện Lục Nam, chưa có một doanh nghiệp (DN), HTX và hộ gia đình nào được vay vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nông nghiệp CNC. Ngoại thành TP Bắc Giang có nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp CNC nhưng đất đai nhỏ lẻ, manh mún, nhiều nơi ưu tiên quỹ đất cho dịch vụ, khu dân cư, công nghiệp - TTCN… Đây chính là những rào cản lớn đối với mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao mà tỉnh đang ưu tiên phát triển, nhân rộng.
Sở Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện mô hình ứng dụng nông nghiệp CNC. Theo đó, toàn tỉnh có khoảng 60 mô hình của các HTX, trang trại, hộ dân, tập trung ở các lĩnh vực: Sản xuất nấm, rau, hoa chất lượng cao trong nhà lưới, nhà màng; chăn nuôi và chế biến thịt lợn, gà, thủy sản sạch; trồng cây ăn quả.
Mặc dù các bộ, ngành T.Ư đã chỉ đạo, hướng dẫn cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp CNC, Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động và tạo thuận lợi cho các DN, HTX, trang trại tiếp cận nhưng đến nay, ngoài HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Tiến (Lạng Giang) đã vay khoảng 750 triệu đồng, vẫn chưa có khách hàng nào tiếp cận được trong khi đang “khát” vốn sản xuất. Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thành Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho rằng tiêu chí mô hình nông nghiệp CNC theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để được vay rất khó thực hiện. Đơn cử, mô hình phải nằm trong vùng sản xuất sạch được cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng ở Bắc Giang còn thiếu. Hơn nữa, đất đai của HTX làm nông nghiệp CNC chủ yếu do thuê mượn, tài sản thế chấp hầu như không có hoặc có tài sản trên đất nhưng chưa được chứng nhận nên nhiều ngân hàng khó giải ngân... Vì thế, cơ quan chuyên môn là Sở Nông nghiệp và PTNT cần sớm tham mưu xác định vùng sản xuất sạch. Chính quyền các địa phương, ngành chức năng hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, tạo điều kiện cho người dân và DN có thể làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.
Về tháo gỡ khó khăn thiếu đất sản xuất, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, HTX, DN hiểu hơn về nông nghiệp CNC, cần tiếp tục mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để ứng dụng CNC, thay vì sản xuất manh mún, hiệu quả thấp. Nhiều ý kiến cho rằng cần vận động hộ dân tham gia mô hình ứng dụng CNC theo góp vốn bằng ruộng đất, DN, HTX kinh doanh và nông dân làm công nhân lao động; hoặc DN, HTX ký kết hợp đồng với bà con làm chủ thể trong sản xuất có sự giám sát của các đơn vị này. Qua đó sẽ tạo được chuỗi liên kết theo hướng gắn trách nhiệm, hiệu quả bền vững.
Theo BGĐT
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)