Ở thôn Ka Đơn (xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng), từ nhiều năm nay đã hình một trang trại sản xuất rau hữu cơ thành 1 chuỗi khép kín, có đầu ra ổn định và đạt doanh thu tốt.
Chủ trang trại là ông Nguyễn Quốc Thắng. Ông Thắng là một người có thâm niên trồng rau. Tính đến nay, ông đã có 25 năm gắn bó với nghề này.
Sau nhiều năm gắn bó với cây rau, ông Thắng nhận ra nếu cứ sản xuất rau theo kiểu cũ (lạm dụng phân bón, thuốc BVTV), nông dân luôn phải đối mặt với sự bấp bênh của thị trường, lại ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, của gia đình, của người làm công và sức khỏe người tiêu dùng.
 
Chính vì vậy, tới năm 2011, ông Thắng đã quyết định từ giã lối sản xuất rau kiểu cũ, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Để có nguồn đất đáp ứng được yêu cầu sản xuất rau theo hướng hữu cơ, ông đã lặn lội tới thôn Ka Đơn, mua 8 ha đất.
 
Có đất rồi, để sản xuất rau theo quy trình hữu cơ một cách hiệu quả, ông Thắng tiếp tục bỏ tiền ra đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, kể cả sang Nhật Bản. Cuối cùng, ông đã tìm được mô hình thích hợp để sản xuất rau không sử dụng thuốc BVTV hóa học. Đó là khi thiết kế trang trại, phải dành ra những miếng đất trồng các loại cây cỏ có khả năng thu hút côn trùng, sâu bọ. Côn trùng, sâu bọ bị thu hút vào những khu vực như vậy, có cây cỏ để ăn no, thì sẽ không bay vào cắn phá khu trồng rau.
 
Tuy nhiên, để các vườn rau củ thực sự an toàn mà không cần tới thuốc BVTV, ông Thắng đã đầu tư nhà lưới cho các vườn rau. Đây là khoản đầu tư khá lớn. Tính ra, tổng diện tích nhà lưới của trang trại ông Thắng lên tới 1,2ha, tổng vốn đầu tư cơ sở vật chất cho toàn trang trại tới 17 - 18 tỷ đồng. Vì vậy, ngoài khoản vốn đã tích lũy được qua nhiều năm sản xuất rau, ông Thắng đã cần tới sự hỗ trợ vốn tín dụng của Agribank để hoàn thiện hệ thống nhà lưới cho trang trại. Hiện tại, dư nợ của ông tại Agribank là gần 6 tỷ đồng.
 
Không dừng ở đó, ông Thắng còn tổ chức sản xuất cho trang trại theo hình thức khép kín, từ cây giống tới sơ chế, đóng gói. Theo đó, trong 8 ha của trang trại, ông dành ra 2 a để làm vườn ươm cây giống rau, phục vụ cho sản xuất của chính trang trại và cung ứng cả cho bà con trong vùng.
 
Cách đây 2 năm, ông đã đầu tư xây dựng 1 nhà sơ chế, đóng gói rau củ đảm bảo yêu cầu ATTP. Ngoài ra, ông còn dành một phần đất làm trại nuôi 30 con bò theo hướng hữu cơ để lấy phân bò làm phân hữu cơ bón cho cây trồng trong trang trại. Như vậy, với những đầu tư như trên, trang trại rau theo hướng hữu cơ của ông Thắng đã khép kín được từ đầu vào (cây giống, phân) tới sản xuất và sơ chế, đóng gói.
 
Việc đầu tư bài bản, hình thành chuỗi sản xuất khép kín cho trang trại, đã giúp cho ông Thắng nhanh chóng co được đầu ra ổn định.Hàng chục loại rau củ sản xuất trong trang trại như cà chua, củ cải, rau cải, hành tây, xà lách, khoai tây… đều đã được cung ứng cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ hết ngay tới đó mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng. Mỗi tháng, trang trại đạt doanh thu khoảng 400 - 500 triệu đồng.
 
Bên cạnh các nhà hàng Việt Nam, rau củ của trang trại ông Thắng đã được một số nhà hàng kiểu Nhật Bản do người Nhật Bản sang đầu tư, chấp nhận và đặt hàng thường xuyên. Những nhà hàng này không chỉ lấy rau của trang trại ông Thắng mà còn cung cấp hạt giống rau chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất hữu cơ, để trang trại sản xuất theo đúng yêu cầu của họ.
 
Từ hơn nửa năm nay, ông Thắng đang hợp tác với một đơn vị chứng nhận để tổ chức chuỗi sản xuất rau theo hướng hữu cơ một cách thật bài bản, chặt chẽ nhất.
 
Mục tiêu của ông Thắng là sẽ lấy được chứng nhận hữu cơ của Mỹ và châu Âu cho trang trại trong thời gian sắp tới, để các sản phẩm từ chuỗi sản xuất hữu cơ khép kín của trang trại có cơ hội thâm nhập nhiều hơn nữa vào các siêu thị, nhà hàng, khách sạn sang trọng có nhu cầu tiêu thụ rau củ sạch và có chứng nhận hữu cơ.
 
Theo nongnghiep.vn