Cùng với lúa lai, những vụ vừa qua các giống lúa thuần chất lượng cũng được nhiều huyện đưa vào sản xuất với mong muốn có được bộ giống chuẩn, năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có không ít vấn đề cần phải rút kinh nghiệm.
"Hạt sạn" QR1
Sau một thời gian khảo nghiệm, vụ chiêm xuân 2012, huyện Việt Yên (Bắc Giang) quyết định đưa giống lúa thuần chất lượng QR1 vào cơ cấu sản xuất. Đây là vụ đầu tiên triển khai giống lúa này trên diện rộng nên UBND huyện hỗ trợ 50% giá giống. Một số xã, thị trấn có trợ giá thêm (6 xã hỗ trợ 3.000 đồng/kg giống; 3 xã hỗ trợ 5.000 đồng/kg và 1 xã trợ giá 13.000 đồng/kg). Ngoài ra, huyện còn trích ngân sách hỗ trợ 300.000 đồng cho một buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cho các hộ nông dân tham gia. Kết quả, toàn huyện đã cung ứng được 5.803 kg giống lúa QR1 với tổng diện tích gieo cấy 214 ha, đạt hơn 71% kế hoạch.
Tuy nhiên, kết thúc vụ chiêm xuân, nhìn lại diện tích gieo cấy giống lúa thuần chất lượng QR1 trên địa bàn huyện Việt Yên thấy không ít "hạt sạn". Ông Nguyễn Danh Quý, Chủ tịch UBND xã Quảng Minh không giấu nổi sự thất vọng: "Vụ chiêm xuân 2012, xã Quảng Minh được giao gieo cấy hơn 100 ha bằng giống QR1. Nhưng do tập quán sản xuất, bà con đã quen với các giống cũ nên thực tế chỉ có 3 ha cấy giống QR1. Mặc dù UBND xã và các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, trích ngân sách hỗ trợ, nông dân chỉ phải bỏ ra 8.000 đồng để mua 1 kg giống. Nhưng kết quả vẫn đạt rất thấp. Gia đình tôi nhận cấy gần 1 sào, thời gian đầu không phát hiện điều gì bất thường, nhưng đến cuối vụ, diện tích cấy QR1 có biểu hiện bị lẫn giống, cây lúa không đều, chỗ cao, chỗ thấp. Mảnh ruộng liền kề là của gia đình bà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng có hiện tượng như vậy. Chúng tôi khẳng định không phải do quá trình làm đất hay chăm sóc dẫn đến tình trạng như vậy mà chắc chắn nguyên nhân từ nguồn giống cung cấp. Đến vụ mùa này, dù chúng tôi cố gắng vận động nhưng bà con cũng chỉ đăng ký mua 20 kg giống (tương đương 20 sào). Vợ tôi cũng không muốn cấy giống QR1 nữa".
Đến thôn Ninh Động, xã Ninh Sơn gặp trưởng thôn Ngô Văn Sơn, chúng tôi được nghe phản ánh: Do được hỗ trợ của huyện, xã nên nông dân chỉ phải bỏ ra 10.000 đồng để mua 1 kg giống QR1. Thực tế QR1 có nhiều ưu điểm: Thời gian sinh trưởng ngắn, chịu hạn, có khả năng chống đổ, hạt gạo nhỏ, trong, cơm ngon, vị đậm. Trên thị trường hiện nay, gạo QR1 được thương nhân thu mua nhiều với giá trung bình 8.300 đồng/kg, cao hơn hẳn những loại lúa khác. Tuy nhiên do là giống mới chịu thâm canh nên không ít gia đình chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, lượng phân bón cần nhiều hơn khoảng 20%, vì thế chi phí đầu tư cũng tăng lên. Cá biệt vẫn có hiện tượng lẫn giống QR2 ở một số ruộng.
Theo kế hoạch năm 2012, huyện Việt Yên sẽ gieo cấy 400 ha lúa giống QR1. Toàn bộ giống này do Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) cung cấp. Ngay sau khi người dân các xã có ý kiến về giống lúa QR1, huyện Việt Yên đã thành lập tổ kiểm tra và phát hiện tại ba thôn Đông Long, Đình Cả, Kẻ, xã Quảng Minh có 0,46 ha bị lẫn giống. Tỷ lệ lẫn từ 2-7% và lẫn 1-2 loại giống khác. Tại xã Hương Mai cũng có hiện tượng tương tự. Năng suất bình quân đạt 180 kg/sào. Ông Ngô Đăng Tuấn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, tổ trưởng tổ kiểm tra cho biết, nguyên nhân của hiện tượng lẫn giống rất khó xác định, có thể lẫn từ hạt giống trước khi gieo cấy hoặc lẫn trong quá trình ngâm ủ, gieo hạt, khi cấy… Về việc năng suất thấp, tổ kiểm tra cho rằng do nông dân chưa bón đủ lượng phân cần thiết, không đủ nước tưới (giống QR1 đòi hỏi đầu tư lượng phân bón nhiều hơn giống KD18 từ 2-3 kg đạm, 1-2 kg kali/sào). Vụ mùa này, UBND huyện Việt Yên đã yêu cầu Công ty TNHH vật tư nông nghiệp Hồng Quang cam kết cung cấp giống bảo đảm đúng chất lượng, số lượng, khắc phục tình trạng lẫn giống. Tuy nhiên "hạt sạn" trong vụ chiêm xuân khiến không ít nông dân tỏ ra băn khoăn khi gieo cấy giống QR1.
Thận trọng khi đưa giống mới vào sản xuất
Hiện nay, ngoài chương trình lúa lai của tỉnh, nhiều huyện có biện pháp hỗ trợ riêng để đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất, bước đầu đạt kết quả khả quan, bổ sung vào bộ giống chuẩn của tỉnh, mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho nông dân. Đơn cử như huyện Yên Dũng duy trì diện tích lúa hàng hoá khoảng 2.000 ha với các giống HT1, Bắc thơm số 7, Nàng Xuân, VS1 và 2.700 ha gieo cấy lúa thuần cho năng suất cao như BC15, TBR1, TBR45...
Huyện Lạng Giang gần đây đã đưa giống lúa thuần BC15 và TBR45 vào sản xuất trên diện tích khoảng 100 ha. Kết quả cho thấy, đây là những giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ thâm canh của nông dân. Chất lượng gạo ngon, thị trường có nhu cầu lớn, tiêu thụ dễ dàng với giá cao. Vụ mùa này, huyện Lạng Giang tiếp tục thử nghiệm gieo cấy 200 ha các giống lúa thuần, trong đó giống RVT do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cung cấp, lần đầu tiên được đưa vào sản xuất.
Trên phạm vi toàn tỉnh, vụ mùa 2012, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các giống lúa thuần như KD18, Q5, ĐV108, ĐB5, ĐB6… và các giống lúa chất lượng Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, N46, LT2, QR1… Trong tổng diện tích gieo cấy cả vụ hơn 59,5 nghìn ha, cơ cấu lúa chất lượng chiếm 6.000 ha, dự kiến năng suất ước đạt 47,1 tạ/ha.
Tuy nhiên, với "phong trào" đưa giống mới vào thực tế sản xuất như hiện nay của các huyện, rất cần sự chỉ đạo sát sao từ chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp; có định hướng rõ ràng trong quy hoạch vùng sản xuất. Trong quá trình hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống cần có cam kết cụ thể về bảo đảm chất lượng, số lượng giống, không để nông dân bị thiệt thòi và mất lòng tin khi đưa các giống mới vào sản xuất.
Quốc Phương
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)