Gắn bó với nghề trồng khoai tây, ông Vũ Hoài Nhân ở thôn Chi Lễ, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương (Thái Bình) đã làm giàu trên cánh đồng quê hương mình.
Mấy năm trở lại đây, tỉnh Thái Bình đã hình thành những khu công nghiệp. Nông dân, nhất là những bạn trẻ đã bỏ ruộng để đi làm công ty. Con cái đi làm, ông bà già ở nhà khoán người cấy hai vụ lúa. Xong mùa lúa, vùng đất pha cát xưa kia người dân hay tranh thủ trồng rau màu, ngô khoai thì nay bị bỏ hoang.
Nhìn những thửa đất mọc đầy cỏ mà mương tưới thủy lợi lại thuận tiện, ông Nhân xót ruột. Ông đến từng nhà, hỏi xin ruộng để trồng màu. Cây màu ông chọn chính là khoai tây. Mỗi năm hai vụ thu đông và xuân hè, vợ chồng ông xới đất thành luống để trồng khoai. Xin mượn được nhiều đất, ông Nhân mướn thêm lao động địa phương để chăm sóc, thu hoạch và bảo quản khoai vào những ngày cuối vụ.
Gắn bó với cây khoai tây từ năm 2005, ông Nhân đã trồng rất nhiều giống khoai từ Đức, Hà Lan. Mỗi năm ông đều có một khu cấy thử nghiệm các giống mới. Thấy giống nào tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh thì vụ sau ông lại trồng nhiều hơn. Người dân xã Vũ Lễ và vùng lân cận cũng tới học hỏi kinh nghiệm trồng khoai của vợ chồng ông Nhân.
Lao động địa phương đến phụ ông Nhân phân loại khoai
Hiện tại ông Nhân trồng gần 14 mẫu khoai tây trên 2 xã Vũ Lễ, Vũ An. Mỗi năm, ông xuất ra thị trường khoảng 50 tấn khoai thương phẩm. Giá bán khoai tây trung bình từ 5 - 7 ngàn đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, ông Nhân thu lời từ 120 - 150 triệu đồng/năm.
Bí quyết trồng khoai tây thành công được ông Nhân chia sẻ: Phải chọn được giống tốt, sạch bệnh. Muốn vậy nên mua giống của công ty có uy tín. Giống khoai nông dân tự để do không được bảo quản kỹ nên sẽ nhiều sâu bệnh hơn dẫn đến rụi cây hoặc năng suất thấp.
Khoai tây thường bị bệnh sương mai, nấm, khô vằn, chết héo xanh, nhũn gốc… Để cây không mắc các bệnh này nông dân nên phòng trước. Phương pháp phòng bằng cách chọn giống và làm sạch đất. Khử độc, khử nấm trên đất là điều kiện tiên quyết để cây phát triển tốt.
Luống khoai của ông Nhân trồng khá thưa, bề mặt luống khá rộng. “Nếu ham trồng dầy, cây sẽ yếu và củ sẽ nhỏ, củ nhỏ thì thị trường không ưa chuộng, rất khó tìm đầu ra”, ông Nhân cho biết.
Dùng kho lạnh để bảo quản khoai sau khi thu hoạch
Năm nay thời tiết thuận lợi, mưa nắng dung hòa thì khoai tây không cần tưới nước. Quá trình trồng khoai tây, ông Nhân chỉ cần bón hai lần phân: Bón lót khi trồng và bón thúc sau đó 20 ngày. Khi bón thúc cho cây vợ chồng ông bắt đầu xịt thuốc phòng bệnh để cây sinh trưởng phát triển tốt. Với kinh nghiệm trên, ruộng của ông luôn cho năng suất khoảng 9 tạ/sào Bắc bộ.
Hiện tại, ông Nhân đang chuẩn bị thu hoạch 2,5 mẫu khoai xuân hè. Quá trình tham gia sản xuất, ông Nhân đã lắp kho lạnh để bảo quản khoai giống cho mình và nông dân các xã lân cận.
Ông Nhân cho biết không chỉ trồng khoai trên đất Thái Bình, thời gian tới ông còn mở rồng diện tích trồng tại các tỉnh Nam Định và Bắc Ninh. Theo quan điểm của ông Nhân “làm giàu rất khó, những nếu không chịu khó thì sẽ chẳng thể giàu”.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)