Để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đang tập trung mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với cơ chế, chính sách hỗ trợ thì kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất là chìa khóa để toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu năm nay có 30% sản lượng rau, quả và thủy sản được sản xuất theo hướng này.
Hình thành nhiều vùng tập trung
 
Dịp này, xã viên Hợp tác xã (HTX) Hương Đất, xã Đồng Việt (Yên Dũng) đang tích cực xuống giống dưa hấu, bắt đầu vụ mới. Người làm đất, phủ màng bạt ni-lông, người nhanh tay gieo hạt. Được biết, đây là vụ thứ hai, HTX trồng dưa hấu theo hướng an toàn, sử dụng giống tốt, phân ủ vi sinh, phủ bạt để hạn chế cỏ dại, sâu bệnh gây hại.
 
Anh Lê Văn Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: “Trồng dưa theo hướng VietGAP năng suất bình quân đạt từ 30 - 33 tấn/ha, cao hơn trồng đại trà 4 - 5 tấn/ha. So với cách làm truyền thống trước đây, trồng dưa tiêu chuẩn an toàn giảm bớt chi phí về phân bón, công chăm sóc”. Cùng với HTX Hương Đất, đến nay, toàn huyện Yên Dũng đã hình thành 8 vùng sản xuất theo hướng VietGAP tại các xã: Tiến Dũng, Cảnh Thụy, Xuân Phú, Trí Yên, Tư Mại và Đức Giang với tổng diện tích hơn 50 ha.
 
Tại các địa phương khác trong tỉnh, việc xây dựng các vùng sản xuất an toàn cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Ở huyện Hiệp Hòa, cùng với 50 ha rau cần ở xã Hoàng Lương đã được cấp chứng nhận VietGAP, địa phương đã quy hoạch, xây dựng 4 vùng sản xuất rau tập trung tại các xã: Đông Lỗ, Thanh Vân, Hợp Thịnh và Đoan Bái với quy mô từ 10 ha/vùng trở lên. Tương tự, huyện Việt Yên cũng xây dựng một vùng sản xuất thủy sản tập trung (19 ha) tại thôn Tĩnh Lộc (xã Nghĩa Trung) và một số vùng sản xuất rau quy mô lớn.
 
Điển hình là mô hình sản xuất rau an toàn tại thôn Minh Sơn (xã Trung Sơn) thu hút 42 hộ tham gia, diện tích hơn 20 ha. Mỗi gia đình có từ 2-4 người tham gia, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho mỗi thành viên. Theo đại diện các hộ dân, với kinh nghiệm trồng rau nhiều năm kết hợp áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, giúp tiết giảm chi phí sản xuất. Nông sản làm ra hướng đến bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị, từng bước cải thiện thu nhập cho các hộ.
 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính của HTX Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).
 
Đồng hành với nông dân
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh có 13 nghìn ha vải thiều, 40 ha thủy sản và hàng trăm ha rau, củ được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung tại huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và TP Bắc Giang. Đặc biệt, từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, tại các địa phương đã hình thành 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, một số HTX, tổ hợp tác sản xuất cũng được hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
 
Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Năm nay, tỉnh đề ra mục tiêu có 30% sản lượng rau, quả và thủy sản được sản xuất theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương”.
 
Thực tế, quá trình tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tùy đặc điểm từng loại cây trồng, mỗi địa phương có cách làm riêng. Kinh nghiệm tại huyện Lục Ngạn cho thấy, để mở rộng diện tích vải thiều VietGAP, huyện chỉ đạo mỗi thôn, bản thành lập ít nhất một tổ liên kết hoặc câu lạc bộ; mỗi xã thành lập một chi hội sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từ các tổ liên kết này, các thành viên đã có chứng nhận VietGAP chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trong tổ về quy trình, yêu cầu để sản xuất vải thiều an toàn. Hay như tại huyện Hiệp Hòa, trước khi xây dựng các vùng rau an toàn, địa phương thành lập các HTX, coi đây là “đầu tàu” trong thực hiện. Năm 2017, huyện có 4 HTX được thành lập và trở thành hạt nhân tại vùng sản xuất tập trung ở các xã: Đông Lỗ, Thanh Vân, Hợp Thịnh và Đoan Bái.
 
Trong khi đó, để khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, từ nhiều năm nay, UBND huyện Yên Dũng đều dành kinh phí hỗ trợ các địa phương hoàn tất thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận. “Đến nay, huyện có ba vùng sản xuất rau với tổng diện tích 30 ha được cấp chứng nhận VietGAP tại xã Tiến Dũng và Cảnh Thụy. Năm nay, UBND huyện tiếp tục hỗ trợ việc đề nghị thẩm tra, cấp giấy chứng nhận thêm 20 ha nữa”, ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng nói.
 
Theo BGĐT