Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân TP Bắc Giang khẩn trương xuống đồng gieo trồng, chăm sóc rau màu cho kịp thời vụ, bảo đảm năng suất cây trồng trong vụ mới. 
 
Đáp ứng nhu cầu nông sản dịp đầu xuân. Từ mùng 4 Tết, trên cánh đồng các phường, xã: Đa Mai, Song Mai, Tân Mỹ, Dĩnh Trì, Dĩnh Kế..., nông dân đã tất bật thu hoạch vụ đông, giải phóng đất để gieo trồng vụ xuân. Đang chăm bón và thu nốt lứa rau bắp cải, su hào, súp lơ, bà Lê Thị Mai, thôn Phúc Hạ, xã Song Mai cho biết: "Gia đình tôi trồng hai sào rau, trong đó đã thu hoạch trước Tết được 2/3 diện tích. Sau Tết, nhu cầu về rau, củ, quả tăng nên việc tiêu thụ thuận lợi. Tuy nhiên những ngày này nắng nhiều nên tôi phải tích cực tưới nước cho cây đồng thời diệt sâu để bảo đảm rau phát triển tốt. Sau lứa này, tôi sẽ trồng tiếp các loại rau vụ xuân gồm mồng tơi, rau dền, hành và các loại rau thơm để bán vào dịp tháng 3".
Tháng Giêng, Hai diễn ra nhiều sự kiện, lễ hội, nhu cầu về lương thực, thực phẩm và các loại rau củ quả tăng nên người trồng bán được giá. Bởi vậy nhiều hộ tập trung chăm sóc, thu lứa rau màu vụ đông - xuân đáp ứng thị trường. Nhiều thửa ruộng khoai tây cũng đang được khẩn trương thu hoạch.
 
Hoa tươi là mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong tháng Giêng, cho thu lãi cao nên thời điểm này nông dân các vùng Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Song Mai tập trung chăm sóc. Cùng với tiếp tục thu hoạch diện tích hoa ly, lay ơn và cúc phục vụ nhu cầu thị trường tháng Giêng, các hộ sản xuất chú trọng phun thuốc, tưới cho lứa hoa vừa trồng cuối năm trước để bán vào dịp Thanh minh. Hiện hoa ly được bán với giá 40-50 nghìn đồng/cành; cúc 3-5 nghìn đồng/bông; lay ơn 50-60 nghìn đồng/10 cành.
 
Tăng năng suất, chất lượng
 
Tiết trời ấm áp nên người trồng đào ở phường Dĩnh Kế, Dĩnh Trì đã bắt tay vào vụ mới ngay khi kết thúc Tết Nguyên đán. Những gốc đào đã cho thuê hoặc thu mua từ người chơi hoa được đưa về vườn, ruộng; gốc đào ươm mới đang được chăm sóc để phục vụ dịp Tết năm sau. Ông Nguyễn Văn Nhã, tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế cho biết: "Từ mùng 2 âm lịch, vợ chồng tôi đã ra ruộng ghép mắt đào mới. Tôi đi gom gốc đào cho thuê để trồng lại. Những gốc này thường thiếu hụt dinh dưỡng do bị cắt một phần rễ nên phải thường xuyên bổ sung nước, phân giúp cây phục hồi. Trong quá trình chăm bón, tôi sử dụng phân bón hữu cơ để cây bền gốc và giúp hoa dày cánh, đẹp, tươi lâu hơn”. Với kinh nghiệm lâu năm làm nghề, 5 sào đào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, gia đình ông Hạnh thu về hơn 200 triệu đồng.
 
Chuẩn bị cho vụ lúa xuân, nông dân trên địa bàn đã gieo mạ khay từ trong Tết và hiện đã dẫn nước vào ruộng, chờ vài ngày nữa sẽ cày bừa cho đất ngấu rồi gieo cấy. Theo kinh nghiệm của người sản xuất, thời điểm này cần làm đất kỹ, san phẳng mặt ruộng để khi ném mạ sẽ giúp những khóm mạ đều ngay hàng, thẳng lối, không tốn công dặm lại. Năm nay các hộ đều gieo mạ khay vừa tiết kiệm công lao động vừa bảo đảm năng suất.
 
Theo chị Ngô Thị Hạnh, cán bộ khuyến nông xã Song Mai, qua công tác tuyên truyền và các chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật, nông dân trên địa bàn đều có ý thức chọn giống cây tốt và nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất. UBND xã chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp phục vụ đầy đủ nước tưới cho người dân gieo trồng vụ này. Ngay sau Tết, các thôn thông báo để bà con kịp thời dẫn nước vào ruộng, chú ý gieo trồng đúng khung thời vụ nhằm bảo đảm cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh.
 
Vụ xuân năm nay, toàn TP sẽ gieo trồng gần 1,8 nghìn ha lúa, lạc và rau màu các loại. Qua nắm bắt của Phòng Kinh tế TP, nông dân trên địa bàn cơ bản chuẩn bị giống bảo đảm chất lượng, không có mạ bị chết. Diện tích lạc xuân đã cơ bản trồng xong. Nước tưới là khâu quan trọng đối với sản xuất nên các đơn vị thủy nông đã phân công cán bộ, công nhân trực 24/24 giờ (kể cả dịp Tết) để kịp thời đưa nước về đồng.
 
Dự kiến TP hoàn thành gieo cấy lúa xuân trong tháng 2 bảo đảm khung thời vụ. "Thông thường, sản xuất vụ xuân thuận lợi hơn so với các vụ khác. Tuy nhiên nông dân cần chú ý theo dõi, nắm bắt thời tiết để chủ động về nước tưới, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Cuối vụ nếu mưa nhiều, bà con chú ý phát hiện bệnh đạo ôn ở lúa, nấm gốc ở lạc để kịp thời phun thuốc phòng trừ" – Phó trưởng Phòng Kinh tế Hà Ngọc Hoa khuyến cáo.
 
Theo BGĐT