Coi trọng công tác quy hoạch, có cơ chế khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp mũi nhọn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã hình thành nhiều vùng nông sản hàng hóa tập trung. Giá trị bình quân trên diện tích đất canh tác, thu nhập của người dân được nâng lên. 
 
Tăng giá trị trên đơn vị đất canh tác
 
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, địa phương hiện có 60 vùng sản xuất hàng hóa với các loại cây trồng thế mạnh như: Dưa chuột, bí ngô, rau ăn lá các loại, ngô ngọt, lúa chất lượng, lạc quy mô từ 3-20 ha/vùng, tập trung ở các xã: Ngọc Thiện, Lam Cốt, Phúc Sơn, Tân Trung, Quế Nham, Ngọc Châu, Quang Tiến, Liên Sơn... Các vùng này ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2018 của huyện lên 138 triệu đồng/ha, tăng 25-30 triệu đồng/ha so với 5 năm trước đây.
Điển hình là xã Tân Trung với nhiều vùng sản xuất nông sản quy mô lớn của huyện. Từ nhiều năm nay, xã quy hoạch hai cánh đồng liền kề là Cửa Đình và Dốc Kho thuộc thôn Đình Hả rộng chừng 8 ha để sản xuất hàng hóa tập trung. Tại đây bà con áp dụng công thức luân canh: Dưa chuột bao tử xuất khẩu vụ xuân, sau đó là dưa chuột Nhật rồi đến ngô ngọt hoặc trồng ớt và rau ăn lá các loại. Ông Giáp Văn Bổng ở thôn Đình Hả cho biết: “Nhiều năm nay, trên diện tích 2,5 sào, gia đình tôi canh tác 2 vụ dưa, một vụ ngô ngọt. Với giá bán 8,5-9 nghìn đồng/kg theo hợp đồng với doanh nghiệp, cứ mỗi sào dưa chuột bao tử, nhà tôi thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Dưa chuột Nhật và ngô ngọt thu lãi 5-9 triệu đồng/sào/vụ”.
 
Tại Phúc Sơn, từ năm 2013 đến nay, địa phương xây dựng 4 vùng sản xuất tập trung với diện tích gần 120 ha. Theo ông Diêm Đăng Dục, Chủ tịch UBND xã, ở các khu vực này, ngoài canh tác 2 vụ lúa chất lượng, người dân còn liên kết với một số doanh nghiệp trồng khoai tây chế biến vụ đông, rau các loại, doanh thu đạt 170-200 triệu đồng/ha/năm.
 
Khuyến khích kịp thời
 
Huyện Tân Yên hiện có 60 vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các loại cây trồng thế mạnh như: Dưa chuột, bí ngô, rau ăn lá các loại, ngô ngọt, lúa chất lượng, lạc quy mô từ 3-20 ha/vùng.
 
Ông Nguyễn Quang Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Căn cứ lợi thế của từng xã, thị trấn và tập quán canh tác của người dân, địa phương quy hoạch thành các vùng sản xuất tập trung khác nhau. Để người dân sản xuất thuận lợi, đưa các giống cây trồng có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực vận động người dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu. Các phòng chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng”.
 
Đặc biệt, để thu hút các hộ dân cùng tham gia sản xuất thành vùng, huyện có cơ chế hỗ trợ đối với vùng sản xuất rau quả chế biến, rau quả thực phẩm; các tổ chức, cá nhân thuê, mượn đất từ 5 ha trở lên sản xuất thành vùng tập trung. Đặc biệt, cuối năm 2016, huyện đã ban hành kế hoạch về đẩy mạnh ứng dụng CNC giai đoạn 2016-2020. Mỗi mô hình được hỗ trợ 70 triệu đồng/mô hình với quy mô từ 1 nghìn m2/nhà trở lên để làm nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới tự động. Các vùng trồng rau màu ngoài nhà lưới quy mô tối thiểu 5 ha được hỗ trợ 10 triệu đồng ha mua phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Năm nay huyện dành gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp, phấn đấu hình thành thêm 5-7 vùng sản xuất chuyên canh, nâng giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác lên hơn 140 triệu đồng/ha/năm.
 
Theo baobacgiang.com.vn