Là đơn vị đầu tiên của huyện Hoài Đức, Hà Nội áp dụng mô hình PGS trong sản xuất, giám sát rau an toàn, sau 2 năm triển khai, HTX Nông nghiệp Tiền Lệ có sự thay đổi rõ rệt không chỉ trong quy trình sản xuất mà còn cả tư duy và tính kỷ luật.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Nội, sau hơn 2 năm triển khai áp dụng mô hình PGS, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành cho bà con nông dân trồng rau an toàn thói quen làm việc nhóm, ghi chép nhật ký đồng ruộng, lên kế hoạch sản xuất là những biểu hiện rõ nhất cho thành quả mô hình mang lại. Hiện, trên địa bàn thành phố có hàng chục mô hình PGS, trong đó nhỏ nhất có diện tích 5ha, lớn lên tới trên 50ha.
Bà Đặng Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức chia sẻ, qua nhiều năm tập huấn, hướng dẫn, nông dân trồng rau ở Tiền Lệ thông qua các chương trình IPM và PGS, bà con nông dân đã có những kỹ năng, kỷ luật lao động rất tiến bộ.
Tuy nhiên, Trạm Trồng trọt và BVTV Hoài Đức vẫn luôn cử ít nhất một cán bộ tham gia hướng dẫn, giám sát vùng PGS tại HTXNN Tiền Lệ, phối hợp với các ông, bà nhóm trưởng, liên nhóm trưởng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, sổ nhật ký sử dụng thuốc BVTV.
Các nhóm PGS đều được Trạm phân công cán bộ phụ trách, tham gia hướng dẫn cụ thể như tập huấn ghi chép nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thường xuyên họp, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, cấp phát tờ rơi, sổ nhật ký ghi chép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lấy mẫu rau đi phân tích...
Vừa qua, đơn vị chức năng của Hà Nội đã lấy 20 mẫu rau triển khai mô hình PGS tại Tiền Lệ để kiểm nghiệm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả 100% mẫu đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Trạm Trồng trọt và BVTV Hoài Đức cũng tiến hành viết bài tuyên truyền, thông báo hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại, lập biên bản nông dân vi phạm quy trình sản xuất chuyển chính quyền địa phương để đưa lên hệ thống truyền thanh nhằm tăng tính răn đe, hạn chế tái phạm.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào cho biết, cả thôn hiện có 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33ha đất trồng các loại rau, chủ yếu là rau cải thuộc họ thập tự theo hướng chuyên canh hàng hóa.
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên, chi tiết của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông qua mô hình PGS, HTX luôn tuân thủ theo quy định trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV. Hiện nay, HTX Tiền Lệ chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ đã ủ hoai mục, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm đã được kiểm định, tuyệt đối không sử dụng các nguồn nước ô nhiễm.
Theo ông Nguyễn Khắc Bút, liên nhóm trưởng phụ trách chung vùng rau an toàn Tiền Lệ, do áp dụng nghiêm ngặt các quy định theo PGS nên rau an toàn Tiền Lệ đã khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng biết đến và tin cậy và hiện đang được 5 doanh nghiệp trực tiếp ký hợp đồng thu mua tại vườn với giá bán ổn định.
Tuy nhiên, để vùng rau an toàn Tiền Lệ phát triển hơn nữa, ông Bút kiến nghị rất cần ngành đội ngũ cán bộ ngành trồng trọt và BVTV tại địa phương tiếp tục duy trì hỗ trợ mô hình PGS, đồng thời quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa khâu quảng bá, tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra...
Bà An Hà Liên, Giám đốc Cty TNHH Sản xuất - dịch vụ Liên Anh, một trong những doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ rau của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ cho hay, bà rất yên tâm, tin tưởng về chất lượng và dư lượng đối với những sản phẩm rau an toàn được áp dụng theo mô hình PGS.
PGS là Sáng kiến đảm bảo chất lượng nội bộ được lấy tên tắt từ cụm từ tiếng Anh “Participatory Guarantee System” được phát triển từ năm 2004 do Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) bảo trợ. PGS là một hệ thống có sự tham gia của các bên liên quan vào đảm bảo chất lượng các sản phẩm hướng vào thị trường địa phương.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Phát hiện ra gien ở rễ có thể hỗ trợ nhân giống cây ngô có sức chống chịu tốt hơn (10-04-2023)
- Yên Thế: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ Đông (24-11-2022)
- Cách trồng hành lá bằng hạt trong chậu (17-11-2022)