Nếu ai đã một lần đặt chân đến miền quê Yên Thế (Bắc Giang) hẳn sẽ không thể nào quên được vị ngọt dịu của chè xanh Nông Trường, vị đậm đà của nhãn Đông Sơn… và một đặc sản rất riêng không nơi nào có đó là sản phẩm "Gà đồi Yên Thế" nổi tiếng khắp nơi.
Ngay từ năm 2006, huyện Yên Thế đã dấy lên phong trào chăn nuôi gà đồi giống địa phương dưới tán cây rừng và cây ăn quả. Cấp uỷ, chính quyền huyện Yên Thế đã xác định cần xây dựng thương hiệu cho gà đồi Yên Thế để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Trong các giải pháp được đề ra, huyện luôn chú trọng đến yếu tố bền vững và coi đây là giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng, gây dựng uy tín sản phẩm gà đồi. Theo đề án, đàn gà giống được chọn lọc kỹ lưỡng, các hộ nuôi từ 200 con gà giống trở lên được hỗ trợ 50% giá giống và tiêm vắc-xin phòng bệnh, cũng như hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi; Hộ nuôi 2 nghìn gà giống được hỗ trợ máy ấp trứng. Nhờ vậy, đến nay, theo thống kê của ngành chuyên môn, người chăn nuôi trên địa bàn đã tự cung ứng khoảng trên 70% gà giống phục vụ chăn nuôi.
Đặc biệt, đầu tháng 7/2012, Hội đồng nghiệm thu đánh giá Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Gà đồi Yên Thế" dùng cho sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế - tỉnh Bắc Giang". Đây là Dự án cấp nhà nước thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, được triển khai từ năm 2010, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang là đơn vị chủ trì thực hiện đã nhất trí nghiệm thu Dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) "Gà đồi Yên Thế" dùng cho sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế - tỉnh Bắc Giang". Dự án đã xây dựng, ban hành 5 quy trình, quy định được kiểm chứng từ tháng 10 năm 2010, thí điểm tại 6 xã tham gia mô hình quản lý tại huyện Yên Thế... Ngoài ra, Dự án còn tập trung vào các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm gà đồi Yên Thế.
Có thể nói, việc xây dựng thành công nhãn hiệu gà đồi Yên Thế sẽ tập hợp được các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một tổ chức có quyền lợi chung nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để nhãn hiệu ngày càng có uy tín, đòi hỏi người dân cần tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả của Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi huyện nhằm bảo đảm sự thống nhất giá cả khi tiêu thụ, tránh bị tư thương ép giá, gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện cũng đang tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó, nâng cao ý thức của hộ chăn nuôi là một giải pháp quan trọng đang được huyện chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai thực hiện.
Gà đồi Yên Thế, với 02 giống chủ lực là Ri lai và Mía lai được đánh giá là giống có ngoại hình đẹp, chất lượng thịt thơm ngon, được chăn thả trên đồi cây, chăn nuôi theo đúng quy trình sinh học. Giê đây sản phẩm ''Gà đồi Yên Thế'' đã có mặt tại các thị trường khó tÝnh ở các tỉnh, thành phố. Hiện tại đã có trên 120 thương nhân, chuyên nghiệp thường xuyên tổ chức các dịch vụ thu mua và tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Yên Thế đến các thị trường lớn trong cả nước ''Gà đồi Yên Thế'' đã có mặt tại các thị trường khó, Qu¶ng Ninh, Nam Định, Đà Nẵng, Hòa Bình, Sơn La… Nhiều nhà hàng, khách sạn ở các thành phố về tận nơi đặt hàng bởi giống gà Yên Thế có ngoại hình đẹp, nhưng điều quan trọng là chất lượng thịt gà có hương vị thơm ngon rất đặc trưng mà chỉ "Gà đồi Yên Thế" mới có. Uy tín về chất lượng gà đồi Yên Thế ngày càng được người tiêu dùng các vùng miền biết đến và coi như một con đặc sản... Doanh thu từ nghề nuôi gà của huyện khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, chăn nuôi gà đã trở thành một nghề phổ biến đối với nhiều hộ dân ở vùng quê Yên Thế. Số lượng hộ chăn nuôi từ 1000 con trở lên đã có trên 2.000 hộ, cá biệt có nhiều hộ nuôi từ 5.000 đến 10.000 con/lứa và nhiều lứa/năm. Lợi thế so sánh về vườn đồi với mô hình nông lâm- lâm kết hợp đã giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định từ 50- 100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 100- 200 triệu đồng/năm, năm thuận lợi một số hộ có thu nhập từ 250 – 300 triệu đồng/năm.
Để phát triển chăn nuôi Gà đồi bền vững trong những năm tiếp theo, đưa thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đến với mọi miền của đất nước, huyện Yên Thế đã có những giải pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng đàn gà, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế. Đặc biệt UBND tỉnh đã phối hợp với Cục chăn nuôi (Bộ nông nghiệp và PTNT), Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển chăn nuôi gà thả vườn an toàn và bền vững, trong đó có mô hình chăn nuôi và phát triển gà đồi của huyện Yên Thế. UBND huyện đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và tiêu thụ sản phẩm “Gà đồi Yên Thế”, đồng thời đề ra những giải pháp cho việc tiêu thụ và các biện pháp phát triển đàn gia cầm bền vững.…
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương, Yên Thế sẽ ngày càng phát huy những lợi thế trong xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, đưa thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” ngày càng bay xa không chỉ ở trong nước mà còn hướng đến mô hình xuất khẩu với các nước trong khu vực. Yên Thế đang chuyển mình từ chính sản phẩm trong nông nghiệp nông thôn được thực hiện kết hợp giữa truyền thống gắn với khoa học công nghệ. Thành quả từ lao động góp sức xây dựng một quê hương Yên Thế anh hùng giàu đẹp và văn minh.
Thành Nam- Như Hoa- Văn Thư
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)