Trao đổi với ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang được biết, cái gốc của chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho nông dân, trong đó vấn đề phát triển sản xuất là nội dung cốt lõi, xuyên suốt. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nguồn vốn hỗ trợ có hạn nên các địa phương cần biết phát huy nội lực, nghĩa là huy động, lồng ghép được các nguồn vốn hỗ trợ khác từ các chương trình và cả sự đóng góp của nhân dân. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, ưu tiên xây dựng đường giao thông liên thôn, kênh mương nội đồng, trạm tưới tiêu và các hạng mục công trình phục vụ nhu cầu sản xuất khác của người dân.
Tiếp thu quan điểm chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện Yên Dũng đã có sự quan tâm đầu tư đúng mức vào việc xây dựng các mô hình phát triển sản xuất. Cụ thể, năm 2011, cùng với 600 triệu đồng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện còn hỗ trợ hơn 82 triệu đồng xây dựng 6 mô hình phát triển sản xuất ở 6 xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, mỗi năm ngân sách huyện dành hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các mô hình sản xuất theo đăng ký của các địa phương. Từ đó nâng thu nhập của mỗi ha canh tác ở các mô hình này lên hơn 100 triệu đồng/năm. Điển hình là: Mô hình lúa thơm chất lượng cao Nàng Xuân tại xã Tư Mại, nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học ở xã Lão Hộ... Ông Trần Đức Hiển, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng cho biết: Để sớm hoàn thành mục tiêu chương trình, thời gian tới, quan điểm chỉ đạo của huyện là tập trung cao cho mục tiêu phát triển sản xuất, trong đó trọng tâm xây dựng các mô hình điểm tại các xã điểm nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Hiện nguồn vốn từ các chương trình đang được huyện dồn đầu tư hỗ trợ xây dựng hai cánh đồng mẫu lớn ở hai xã điểm Cảnh Thụy - mô hình lúa thuần BC15 vụ mùa và Tư Mại - mô hình trồng khoai tây chế biến Atlantic vụ đông. Điều đáng chú ý trong cách thức triển khai chương trình tại huyện Yên Dũng là dù chưa được hỗ trợ về kinh phí từ các cấp song lãnh đạo huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để người dân địa phương có đủ giống và phân bón phục vụ sản xuất, bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.
Ông Thạch Phú Thành, chuyên viên Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới (Chi cục Phát triển nông thôn) chia sẻ: "Qua khảo sát thực tế thấy rằng, không phải địa phương nào cũng tích cực và chủ động triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là đầu tư để phát triển sản xuất. Nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu được các địa phương đầu tư xây dựng trường học, nhà văn hóa, trạm y tế...". Trước thực tế trên, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh tăng mức hỗ trợ đầu tư cho phát triển sản xuất năm 2012 lên 200 triệu đồng/mô hình/xã, cao gấp đôi so với năm 2011.
Cùng với việc tăng mức đầu tư cho phát triển sản xuất, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cấp, các ngành liên quan chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chương trình "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011-2015, tích cực chỉ đạo các địa phương đầu tư có trọng điểm các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả cao và có thể nhân rộng với 8 sản phẩm hàng hóa đã được lựa chọn, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghệ cao, gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Thanh Phúc
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)