Nhờ gắn bó với nghề nông, say mê tìm tòi sáng tạo, nhiều nông dân đã đưa ra được những giải pháp độc đáo, dễ áp dụng trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế. Dùng thảo mộc chữa bệnh cho vật nuôi Chủ nhân của giải pháp này là bà Trần Thị Hồng, thôn Như Thiết, xã Hồng Thái (Việt Yên) đã đạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật Nhà nông năm 2011. Nhiều năm làm chủ tịch Hội Nông dân xã nên bà Hồng thường xuyên gắn bó với nông dân và am hiểu nỗi vất vả của họ khi vật nuôi bị bệnh. Có lúc chứng kiến cảnh người dân bao ngày quần quật rau cám chăn nuôi với hy vọng khi bán sẽ có khoản thu nhập kha khá, có chút vốn để trang trải cuộc sống. Vậy nhưng do nông dân chủ quan hay không biết cách phòng trị bệnh đã khiến vật nuôi chuẩn bị đến kỳ xuất chuồng bị chết gần hết, bao vốn liếng, công sức bỗng chốc chẳng còn gì. Từ những lần như thế bà Hồng luôn trăn trở tìm cách giúp nông dân khắc phục một phần khó khăn trên. Bà Hồng thấy ngày xưa các cụ khi bị bệnh đường tiêu hoá thường ngắt ngọn cây bọ mẩy rồi luộc chín để ăn nên bà nghĩ có lẽ cây này cũng sẽ hiệu quả cho vật nuôi. Do đó, năm 2006, bà Hồng hướng dẫn chị Thân Thị Thực trong thôn hằng ngày lấy cây này nấu trộn lẫn với cám cho lợn ăn. Quả nhiên, khi dùng cách này thường xuyên thì đàn lợn của gia đình chị Thực không những ít bệnh, lớn nhanh mà còn tiết kiệm được đáng kể khoản tiền chi phí thuốc thú y. Từ hiệu quả của cây bọ mẩy đối với lợn, chị Thực dùng nước cây này cho cả gà, vịt, ngan uống để phòng bệnh đường ruột và kết quả cũng thu được tương tự. Được biết, gia đình chị Thực thường nuôi khoảng 200 còn gà, ngan, vịt, 50 con lợn thịt/lứa. Trước đây, khi chưa dùng thảo mộc phòng bệnh thì vật nuôi tại trang trại của chị hay bị bệnh đường ruột. Vì vậy, nhà chị thường xuyên phải sử dụng thuốc thú y để tiêm phòng và điều trị khiến chi phí đầu vào tăng cao. Không chỉ vậy, việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh làm vật nuôi chậm lớn đôi khi điều trị không kịp thời còn bị chết hàng loạt. Nhờ biết cách sử dụng một số thảo mộc nên vật nuôi của gia đình chị ít bệnh, lớn nhanh, thu nhập cao. Ngoài cây bọ mẩy, bà Hồng còn phát hiện ra cây phèn đen, cây rau dừa nước cũng có tác dụng phòng bệnh đường ruột cho vật nuôi. Cách sử dụng những cây này là băm nhỏ nấu chín cho vật nuôi ăn. Riêng cây rau dừa thả trên mặt ao cho cá trắm cỏ ăn cũng có tác dụng hạn chế bệnh đường ruột. Cùng với một số bài thuốc trên, bà Hồng còn cho thấy lá trầu không có tác dụng phòng trị bệnh lở mồm long móng (LMLM), bệnh ngoài da cho gia súc. Theo đó, khi thấy dấu hiệu bệnh xuất hiện, những hộ nuôi gia súc nên lấy lá trầu không vò nát, cho vào lá đã vò ít nước rồi vắt lấy nước rửa hoặc bôi vào chỗ đau ngày 3 lần vật nuôi sẽ khỏi. Được biết, khi áp dụng hiệu quả tại trang trại của gia đình chị Thực, bà Hồng đã tổ chức tuyên truyền cho các hội viên nông dân trong xã được biết và áp dụng. Bà Hồng cho biết: "Bài thuốc này dễ áp dụng, an toàn cho người và vật nuôi. Đặc biệt những cây thuốc lại dễ kiếm ở vùng nông thôn, miền núi nên những nơi xa cửa hàng bán thuốc thú y sẽ rất tiện lợi khi biết bài thuốc này". Thâm canh cây quất cho quả quanh năm Ngoài giải pháp trên, giải pháp "Hoàn thiện kỹ thuật thâm canh cây quất cho quả quanh năm" của ông Phạm Văn Bắc, thôn Dầm, xã Tân Sỏi (Yên Thế) được đánh giá là thiết thực, hiệu quả và đoạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh năm 2011. Nằm dọc theo dòng sông Sỏi, đồng đất canh tác của xã Tân Sỏi được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ nên thích hợp với cây trồng thuộc họ cam, quýt. Phát huy lợi thế đó, gần 20 năm qua, người dân trong xã đã đưa cây quất vào trồng. Khoảng 5 năm gần đây, cây trồng này mở rộng, phát triển thành vùng sản xuất tập trung với diện tích gần 30 ha. Quất được coi là cây xoá đói, giảm nghèo đối với nhiều hộ trong xã. Ông Bắc cho biết, mặc dù vậy nhưng chăm sóc quất theo phương pháp cũ đã bộc lộ một số nhược điểm như: Người dân chưa chú trọng đến việc tỉa cành tạo tán khiến cây không bền, cho quả ít; bón phân không cân đối cây sinh trưởng, phát triển chậm, nhiều sâu bệnh. Hơn nữa, quất cho quả vào thời điểm chính vụ nên lượng sản phẩm lớn, khó tiêu thụ, giá bán thấp nên giá trị kinh tế không cao. Vì vậy, năm 2008, ông Bắc và một số người làm vườn trong thôn đã tìm cách khắc phục những hạn chế này. Theo đó, sau mỗi lứa thu hoạch, ông tỉa cành, tạo tán “trẻ hoá” cây để cây đầy đủ ánh sáng và hạn chế sâu bệnh trú ngụ, chú ý cắt tỉa các đầu cành đã cho quả. Sau đó bón phân chuồng kết hợp với phân NPK để cây ra lộc mới, ra hoa tập trung vào một thời điểm nhất định theo ý muốn. Ngoài ra, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi cần sử dụng thêm phân bón vi lượng như: Kích thích rễ, phân bón lá hoà nước tưới vào gốc cho cây. Kết quả ngay ở vụ thu hoạch năm đó, quất cho quả theo ý muốn, sản phẩm được bán với giá cao gấp 5 lần so với thời điểm chính vụ. Nhiều người thấy được hiệu quả đó đã đến nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật để học tập làm theo. Đến nay, 100% hộ trồng quất trong xã đều dành hơn một nửa diện tích quất của gia đình mình áp dụng biện pháp cho quả rải vụ, hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, giá trị thu nhập từ quất trái vụ toàn xã ước đạt gần hàng tỷ đồng./. (Báo Bắc Giang)
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)