Những năm qua, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia cầm, tạo điều kiện cho người dân mở rộng quy mô theo hướng gia trại, trang trại có đầu tư lớn, đồng thời đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật, ứng dụng vào chăn nuôi nhằm nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.
Gia đình anh Đặng Hữu Hỷ ở thôn Nghi Lộc, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là một trong những điển hình của xã thực hiện thành công việc phát triển chăn nuôi. Anh Hỷ nhận thấy việc chăn nuôi gà đẻ trứng là hướng phát triển kinh tế có hiệu quả tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm luôn là khó khăn lớn nhất đối với người nông dân. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh mạnh dạn tìm gặp, kết nối với Công ty cổ phần chăn nuôi Japfa Indonexia và được công ty chấp nhận sẽ bao tiêu, thu mua toàn bộ trứng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công ty có những yêu cầu nghiêm ngặt về thức ăn, thuốc phòng bệnh, quy trình chăn nuôi… và nhất là yêu cầu về chất lượng sản phẩm.
Sau khi kết nối đầu ra được trước, tháng 7 năm 2018, cùng với số tiền tích cóp được từ trước cộng vay mượn từ ngân hàng và sự hỗ trợ từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện, anh Hỷ đã đầu tư gần 13 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, cơ sở vật chất với 6 dãy chuồng nuôi, mỗi dãy chuồng nuôi kinh phí đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng. Mô hình được thiết kế theo quy trình khép kín cùng hệ thống các thiết bị hiện đại như: dàn mát tự động giúp ổn định thân nhiệt cho gà vào mùa nắng nóng; hệ thống chiếu sáng; hệ thống máng ăn, nước uống tự động; hệ thống quạt thông gió; băng tải trứng, băng tải truyền phân gà ra khỏi chuồng nuôi… tạo cho đàn gà môi trường phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Có thể thấy chuồng trại của gia đình anh xây dựng đảm bảo theo yêu cầu của công ty, chuồng luôn sạch sẽ, thông thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Sau khi gà được nhập từ công ty về khoảng 17 tuần tuổi, gia đình anh đưa vào chuồng nuôi nhốt khoảng 1 tháng thì gà bắt đầu cho khai thác trứng. Lúc này gà đạt trọng lượng 1,7 – 2kg.
Anh Đặng Hữu hỷ bên mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng của mình
Hiện trang trại gà của gia đình anh Hỷ nuôi 20.000 con gà đẻ trứng với giống gà ISA.Brown (Indonexia) trên diện tích rộng 1.040 m2. Dù nuôi số lượng khá lớn nhưng khi bước vào trại, chúng tôi không cảm nhận thấy mùi hôi của phân gà và chất thải khác. Đây là kết quả mà anh Hỷ đã ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi. Theo đó, phân gà sau khi được băng tải truyền đưa ra khỏi khu vực nuôi và được anh xử lý bằng men vi sinh, sau khi ủ khoảng 45 ngày đã tạo ra nguồn phân chất lượng cao có thể bón cho cây trồng. Trung bình một tháng sản xuất được 20 tấn phân gà đã qua sơ chế. Nhằm đảm bảo môi trường chăn nuôi an toàn, hàng ngày anh thực hiện thu gom xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định.
Anh Đặng Hữu Hỷ cho biết: Thức ăn của gà là 100% cám do công ty cấp, trung bình một ngày hết 0,15 kg/con gà. Giống gà ISA.Brown rất dễ nuôi và phù hợp nuôi nhốt tập trung. Đây là giống gà đẻ dày, đạt tỷ lệ cao 93 – 94%, nếu chăm sóc tốt 1 gà có thể sinh sản từ 290 - 295 trứng/năm. Với 20.000 gà, một ngày cho trên 18.000 trứng. Giá công ty bao tiêu là 1.500 đồng/quả. Trứng gà có màu đẹp, tỷ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đối với giống gà ISA.Brown (Indonexia) vòng đời cho khai thác trứng 12 tháng. Sau khi gà hết thời gian khai thác trứng, công ty sẽ thu gom gà và bán thịt.
Anh Hỷ cũng chia sẻ lợi ích khi liên kết theo chuỗi chăn nuôi gà đẻ trứng với các công ty như: không phải lo đầu ra sản phẩm vì đã được ký kết bao tiêu; gà giống, cám được công ty cung cấp đảm bảo chất lượng… Mục tiêu của anh trong thời gian tới sẽ nhân rộng quy mô đàn lên tới 60.000 con và cung cấp số lượng trứng ra thị trường khoảng 50.000 – 55.000 trứng/ngày. Với quyết tâm đó anh đang cho xây dựng tiếp 2 khu chăn nuôi, dự kiến mỗi khu cũng sẽ nuôi 20.000con. Hiện tại mô hình nuôi gà đẻ trứng có sự liên kết đầu ra sản phẩm mỗi tháng trừ chi phí cho gia đình anh thu nhập trên dưới 50 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người.
Mô hình không chỉ chứng minh được hướng đi đúng đắn của việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện địa hình của địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ngoài ra, còn giải quyết được những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm./.
Theo Khuyennongvn.gov.vn
Tin liên quan:
- Chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị (15-08-2024)
- Những lưu ý trong nuôi gà đẻ trứng sạch (20-06-2024)
- Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP (06-12-2023)