Xuất phát từ nhu cầu sử dụng và tiêu thụ thịt lợn nạc của thị trường, thực hiện chương trình nạc hóa đàn lợn, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới vào sản xuất, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã tiến hành nhiều mô hình đề tài về chăn nuôi lợn hướng nạc. Trong đó tiêu biểu là năm 2008 - 2009 đã nghiên cứu và triển khai thành công đề tài: Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc tại một số huyện miền núi tỉnh Bắc Giang. Từ thành công của đề tài này trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi lợn nạc xuất khẩu theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, nâng tổng đàn lợn của tỉnh đạt trên 1,2 triệu con và đưa Bắc Giang nằm trở thành một trong số 10 tỉnh có đàn lợn cao nhất nước. Tuy nhiên  tỷ lệ lợn hướng nạc chỉ đạt trên 30% do vậy hiệu quả kinh tế  từ chăn nuôi lợn còn thấp. Hiện nay lợn nái nội vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu đàn nái của tỉnh nên năng suất và chất lượng đàn lợn chưa cao. Trước thực tế đó cần phải cải thiện được cơ cấu đàn lợn, nâng cao được khả năng sản xuất lợn hướng nạc do vậy năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án: " Xây dựng mô hình chăn nuôi và sản xuất lợn lai hướng nạc tại Căn cứ Hậu cần Bắc Lý thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang. Thời gian thực hiện từ tháng 5 năm 2011 đến hết tháng 12 năm 2012, tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Khi dự án đi vào hoạt động ổn định thì hàng năm dự kiến sẽ cung cấp khoảng 1500 con lợn giống cho người chăn nuôi và khoảng 45 tấn lợn hơi có tỷ lệ nạc cao. Do vậy người dân trong và ngoài tỉnh có thể tiếp cận với nguồn giống và thực phẩm có chất lượng tốt. Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cho người chăn nuôi dự án còn góp phần quan trọng vào việc đào tạo tập huấn kỹ thuật không chỉ cho cán bộ đơn vị mà còn hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đồng thời mở ra hướng phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại góp phần phát triển kinh tế của địa phương.                                                                                  
Ông Thân Văn Vân - Chỉ huy trưởng, khu căn cứ hậu cần Bắc Lý - Bộ Chỉ Huy Quân sự  tỉnh (chủ nhiệm dự án) cho biết: Căn cứ có diện tích trên 30 ha. Trong đó 26 ha trồng rừng kinh tế, diện tích còn lại được xây dựng nhà ở, hồ trữ nước kết hợp với thả cá. Năm 2006, xây dựng trên 4.000 m2 nhà xưởng, duy trì thường xuyên 600 con heo nái cung cấp cho thị trường bình quân 12.000 con giống/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để đơn vị triển khai thực hiện các hạng mục dự án trên đúng tiến độ đề ra. Năm 2011, đơn vị đã xây dựng chuồng tại chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn với quy mô nuôi 50 con lợn nái F1
 
(Landrace x yorkshire) và 04 con lợn đực giống ngoại có trọng lượng trung bình đạt 100 kg/con. Trong quá trình chăm sóc đến nay đàn lợn đã đạt trọng lượng trung bình trên 150 kg, đang tiến hành theo dõi chỉ tiêu sinh sản của lợn nái. Anh Nguyễn Ngọc Dự - Quân nhân Quốc phòng - Căn cứ hậu cần Bắc Lý: Hiện nay đàn lợn nái đã được tiến hành lai tạo nhân giống, trong đó có gần 20 con lợn nái đã sinh sản từ đầu tháng 2 được 180 con. Trung bình mỗi nái sinh sản có số tỷ lệ sống đạt trung bình 10 con/lứa. Theo quy trình sau 25 ngày sinh sản đàn lợn con được cai sữa tách mẹ, trung bình mỗi con có trọng lượng 5 kg. Sau đó chuyển sang nuôi lợn thương phẩm tại khu tập trung riêng. Qua đánh giá ban đầu cho thấy đàn lợn sinh trưởng và phát triển tốt các con lai trong các tổ hợp lai có nhiều ưu điểm vượt trội so với nái nội của địa phương như phát triển đồng đều, khả năng kháng bệnh tốt. Chị Nguyễn Thị Giảng - Quân nhân Quốc phòng - Căn cứ hậu cần Bắc Lý chia sẻ kinh nghiệm: Ngoài những ưu điểm vượt trội so với lợn nái nội thì khi nuôi lợn nái sinh sản hướng nạc cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý chất thải, xây dựng chuồng trại hợp lý, có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng cùng biện pháp tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vệ sinh thú y tiêu độc sát trùng chuồng trại, tạo được vùng an toàn dịch…
 
    Theo kết quả nghiên cứu và triển khai mô hình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại một số tỉnh miền núi phía Bắc khi lai giữa lợn nái F1( Landrace x yorkshire) và lợn đực giống ngoại thì sản phẩm lợn con khi nuôi thương phẩm có tỷ lệ thịt nạc/thịt xẻ đạt hơn 50%, tỷ lệ này ở giống lợn địa phương là hơn 30%. Đàn lợn dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng khoảng 300 nghìn đồng/đầu lợn so với nuôi giống lợn địa phương.     
 
Hiện nay dự án đang tiếp tục hoàn thiện khu vực nuôi lợn thương phẩm tập trung với quy mô nuôi 500 con, lựa chọn và đưa vào nuôi 50 con lợn nái F1( Yorkshire x Móng cái). Khi lai tạo sản xuất con giống có nhiều ưu điểm như: tăng trọng nhanh hơn, tỷ lệ nạc cao… phù hợp với điều kiện đầu tư chăn nuôi theo quy mô công nghiệp. Mặt khác, giống lợn này còn có 25% máu nội nên vẫn duy trì được tính chống chịu tốt với các yếu tố ngoại cảnh như điều kiện chuồng trại, khí hậu, có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương đồng thời giảm được chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, các hạng mục dự án đang được lãnh đạo căn cứ hậu cần Bắc Lý - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang tiếp tục tiến hành theo dõi các chỉ tiêu của mô hình chăn nuôi lợn nái lai F1; triển khai mô hình nuôi lợn lai thương phẩm, theo dõi các chỉ tiêu của mô hình nuôi lợn lai thương phẩm. Trên cơ sở đó, đơn vị hoàn thiện quy trình chăn nuôi lợn lai thương phẩm.
 
   Thành công bước đầu mô hình nuôi lợn chăn nuôi lợn lai hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường tại Căn cứ Hậu cần Bắc Lý góp phần giúp cán bộ chiến sĩ nâng cao hiệu quả kinh tế, đổi mới tư duy, phương thức sản xuất đồng thời tạo nguồn giống, thực phẩm đảm bảo chất lượng, sạch bệnh cung cấp cho thị trường chỗ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi lợn hướng nạc của đơn vị và người chăn nuôi trên địa bàn góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương./.
 
Đỗ Thị Thơm