Trong những năm qua, cả tỉnh nói chung và huyện Hiệp Hòa nói riêng đã xó nhiều hộ nông dân áp dụng thực hiện công nghệ ấp trứng gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là gia đình anh Võ Văn Minh, xóm 3, thôn Tân Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa.
Năm 1995, anh bắt đầu với nghề chăn nuôi gà thịt và gà mái đẻ, nhưng những ngày đầu mới bước vào nghề do chưa nắm được kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh nên đàn gà của gia đình anh chậm lớn, thường bị mắc các bệnh truyền nhiễm, tỷ lệ chết cao… cho lãi thấp không đạt hiệu quả kinh tế. không bó tay lùi bước trước những khó khăn anh đã tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức trên sách báo và thăm quan các mô hình chăn nuôi giỏi ở các địa phương khác. Từ đó anh có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc nuôi gà thịt và gà mái đẻ. Có kinh nghiệm những lứa gà sau cho gia đình anh hiệu quả kinh tế cao.
Sự ham học hỏi và nhận thấy thị trường tiêu thụ gà con là rất lớn, gia đình lại có sẵn nguồn trứng. Anh nghĩ “tại sao không úm gà con để bán”. Với ý nghĩ đó anh đã tìm đến gia đình bác Thảo ở xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa để học hỏi kinh nghiệm về áp dụng. Không ngờ việc úm gà thành công, lượng gà úm ngày một nhiều và tiêu thụ dễ dàng. Để đảm bảo gà đạt chất lượng tốt, anh về tận Hoài Đức – Hà Tây cũ để mua gà giống. Chính tại đây, anh học được nghề ấp gà giống theo công nghệ bán công nghiệp.
Tháng 6 năm 2003, anh vay ngân hàng, bạn bè gần 100 triệu đồng xây lò ấp. Lò ấp rộng chừng 20m2 được chia làm nhiều ngăn, mỗi ngăn có một cửa riêng; phía ngoài là hệ thống máy điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ (độ ẩm đo bằng ẩm kế); phía trong lò ấp gồm 28 dàn trứng, mỗi dàn có bề rộng chừng 1,2m đủ xếp 10 hàng trứng, chiều dài gần 4m , xếp khoảng 30 -35 quả trứng, các dàn được xếp nghiêng trên khung sắt một góc 450, giữa các dàn còn được thắp nhiều bóng điện để tăng nhiệt độ khi cần thiết.
Xây được lò đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cộng với kinh nghiệm mấy năm úm gà, nên dù không qua trường lớp nào về kỹ thuật ấp trứng gà giống nhưng anh lại rất am tường và có nhiều kinh nghiệm trong việc ấp trứng theo công nghệ bán công nghiệp này. Không chỉ biết khử trùng trứng trước khi đưa vào ấp; điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm đúng với từng giai đoạn của 21 ngày trứng trong lò… anh còn có thể soi trứng trong vài ngày đầu để nhận biết khả năng có thể nở hay không nở của từng quả trứng để từ đó phân loại cho ấp tiếp hay lấy ra bán trứng lộn.
Anh cho biết: Sau khi chọn và khử trùng trứng, trứng được đưa vào lò ấp, sau 21 ngày thì gà nở. Ban đầu khi cho trứng vào phải giữ ở nhiệt độ 37,80C, độ ẩm ở mức 50 – 60%. Sau 15 ngày phải cho nhiệt độ hạ xuống 36,9 – 37oC, độ ẩm khoảng 65 – 70oC. Đến ngày thứ 19 là gà sắp nở lên phải tăng độ ẩm lên 75 – 80%. Anh giải thích, nếu để nhiệt độ trên 37oC gà nở ra dễ bị bại liệt, còn thiếu ẩm trứng bị mất nước, tỷ lệ nở thấp; trứng nở được thì rốn gà con cũng bị khô sớm, teo lại không rụng được ảnh hưởng đến sự phát triển sau này, ẩm độ quá cao cũng không tốt vì ở môi trường đó vi khuẩn phát triển mạnh sẽ làm hại trứng.
Đi thăm hai khu chuồng nuôi gà mẹ với số lượng 3000 con và khu chuồng nuôi gà bố 1000 con chúng tôi nhận thấy khu chuồng nuôi rất quy mô, thông thoáng và sạch sẽ trong khâu vệ sinh chuồng trại. Giống gà mẹ được anh chọn là gà Lương Phượng được mua ở trại giống Thị Phương thuộc Từ Liêm – Hà Nội; giống gà bố là gà Mía mua từ Sơn Tây – Hà Tây và giống gà Hồ thuộc Thuận Thành – Bắc Ninh. Đây là những giống gà có tiếng và đang được thị trường ưa chuộng. Để đồng nhất về giống gà được ấp ra và sự giúp đỡ chân thành của anh đối với các gia đình để cùng phát triển kinh tế. Anh đã đầu tư giống, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cách chăm sóc gà mái đẻ cho các hộ gia đình trong thôn như gia đình anh Thịnh 500 con, anh Dương 600 con, anh Hải, anh Nghi… Từ đó tạo được nguồn đầu vào ổn định cho lò ấp.
Nhờ cách làm này mà chất lượng gà giống gia đình anh ấp được đều đạt chất lượng tốt, số lượng ngày một tăng. Năm đầu tiên gia đình anh chỉ ấp được 15 vạn con thì đến năm 2009 ấp được 65 vạn con, năm 2011 lượng gà giống xuất bán lên đến hơn 80 vạn con. Ngoài bán con giống anh còn kết hợp bán cám, thuốc kháng sinh, vacxin phòng, chữa bệnh cho gà và hướng dẫn khách hàng hàm lượng cho ăn cũng như thời gian tiêm các loại vacxin phòng bệnh trong từng giai đoạn sinh trưởng của gà cho hợp lý.
Xem bảng danh sách khách hàng đặt mua gà giống chúng tôi thấy gà giống gia đình anh có mặt hầu hết ở các huyện trong tỉnh, số lượng nhiều nhất là huyện Yên Thế và số lượng bán ra tại các tỉnh bạn như: Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội… nhiều cũng không kém. Với tổng số lượng gà giống bán được, ước tính gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng/ năm.
Với những thành công đã đạt được cộng với niềm đam mê, nhiệt tình trong công việc tôi tin chắc rằng anh sẽ thành công hơn nữa trên công nghệ ấp trứng bán công nghiệp này./.
Nguyễn Thảo
Tin liên quan:
- Chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị (15-08-2024)
- Những lưu ý trong nuôi gà đẻ trứng sạch (20-06-2024)
- Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP (06-12-2023)