Sáng 31/01, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện Yên Dũng tổ chức Hội thảo mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất khoai tây chế biến Atlantic, đồng thời đánh giá kết quả công tác dồn điền đổi thửa huyện Yên Dũng năm 2012. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang, Viện Nghiên cứu sinh học (Đại học Nông nghiệp Hà Nội), Trung tâm KNKN, Chi cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông và đại diện một số ban ngành cơ sở, nông dân tiêu biểu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Báo cáo về kết quả xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất khoai tây chế biến Atlantic vụ Đông đã cho thấy giá trị hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Với phương thức làm tập trung trồng một loại giống có áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, cùng thời gian trồng, chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật và cùng thu hoạch thì ước tính người trồng khoai tây theo mô hình lãi khoảng 2,5 triệu đồng/1sào, tương đương với trên 68 triệu đồng/ha. Như vậy khi sản xuất 50 ha khoai tây chế biến Atlantic thì lợi nhuận kinh tế thu được là trên 3,4 tỷ đồng. Về hiệu quả xã hội, khi xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn đã làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác tự do truyền thống của người dân xã Tư Mại. Họ đã biết ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất rau màu tập trung, giúp hạn chế sâu bệnh, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm nước và giảm chi phí cho người dân. Bên cạnh đó tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong chuỗi sản xuất, làm tăng hiệu quả, thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. Công tác dồn điền đổi thửa của huyện Yên Dũng năm 2012 cũng đạt được những kết quả nổi bật, hình thành được những ô thửa lớn, hệ thống thủy lợi, giao thông đồng ruộng được cải tạo. Việc xây dựng đồng bộ đã tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất thành cùng tập trung và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp giảm chi phí công lao động và mang lại hiệu quả cao cho người nông dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu là thành công ở xã Cảnh Thụy. Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình triển khai chương trình vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: Kinh phí hỗ trợ cho công tác dồn điền đổi thửa thấp, nhận thức của người dân chưa đồng đều còn phân chia, mối liên kết giữa “4 nhà” còn hạn chế… Hội thảo đã được nghe báo cáo về kết quả sử dụng phân vi sinh đa chủng đa chức năng Azotobacterin, các ý kiến tham luận của lãnh đạo Công ty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp, Công ty TNHH Công nghệ xanh Thành Châu , lãnh đạo xã Tư Mại, xã Cảnh Thụy và hộ tham gia mô hình Cánh đồng mẫu lớn. Các ý kiến đều nhất trí với kết quả báo cáo hội thảo và đánh giá cao về chất lượng, hiệu quả của phân vi sinh đa chủng đa chức năng khi sử dụng trong sản xuất lúa, rau màu; đồng thời khẳng định ý nghĩa, giá trị bền vững của phương thức làm mới này qua thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn và kết quả công tác dồn điền đổi thửa của huyện Yên Dũng năm 2012. Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lại Thanh Sơn bày tỏ sự vui mừng trước những thành công bước đầu về một hướng đi mới của một phương thức sản xuất mới đã cho kết quả khả quan. Từ đó đánh giá công tác tham mưu của Sở Nông nghiệp trong việc chọn lựa huyện Yên Dũng là nơi thí điểm xây dựng 2 mô hình cánh đồng mẫu lớn; sự tham gia quyết liệt của các cơ quan chuyên môn, chính quyền xã và người dân địa phương, đặc biệt là vai trò của “4 nhà” được thể hiện rõ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp thu các ý kiến tham luận tại hội thảo, các doanh nghiệp vào cuộc tích cực, nhà khoa học ứng dụng nhiều sản phẩm mới vào sản xuất và nông dân chủ động hưởng ứng. Qua thành công của mô hình tại huyện Yên Dũng, các địa phương nên học tập “cách làm” ở từng khâu tổ chức, tuyên truyền, lập tiểu ban chỉ đạo, lấy ý kiến của dân… đồng thời căn cứ vào thực tế địa phương để xây dựng kế hoạch, mô hình hiệu quả. Tổng kết hội thảo, ông Nguyễn Văn Khái – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các huyện, thành phố rà soát lại nhu cầu thực tế tại địa phương để triển khai xây dựng 1-2 cánh đồng mẫu lớn theo tiêu chí Trung ương bảo đảm gieo cấy cùng 1 giống, cùng phương thức chăm sóc, thu hoạch… và xây dựng một vài cánh đồng cho thu nhập cao quy mô dưới 50 ha. Đây là tiền đề để nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân… TTKNKN Bắc Giang
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)