Ngày nào cũng vậy, khi mặt trời vừa ló dạng bên ngọn đồi phía đông cũng là lúc người dân Yên Thế (Bắc Giang) lại được thưởng thức một bản "giao hưởng" cục ta, cục tác đến váng đầu. Ấy vậy nhưng chỉ cần một con trong đàn gà cả nghìn con gà ấy không gáy hoặc bỏ ăn là gia chủ lo sốt vó.  
 

Ông Nguyễn Văn Êm kể về nỗi vát vả của người nuôi gà
1. Thương hiệu gà đồi Yên Thế đã có nhiều năm nhưng chỉ mới đây dân ở xa vùng đất này mới được thưởng thức chúng như một thứ quà tặng từ núi đồi và cũng không mấy ai biết rằng, để có những trại gà Yên Thế, có khi người nuôi phải đánh đổi cả cơ nghiệp suốt đời tích cóp...
 
Để xây dựng được một thương hiệu đáng giá như vậy, nông dân Yên Thế đã kiên trì với con gà trong hoàn cảnh thị trường bấp bênh và dịch bệnh luôn rình rập.
 
Con đường bê tông nhỏ uốn lượn dẫn chúng tôi đến xã Đồng Tâm vào một buổi sáng tháng 5, vào sâu bên trong các bản làng được bao bọc bởi những đồi cây keo lai, vải thiều trải dài một màu xanh ngút mắt. Ngôi nhà tường đất lúp xúp của gia đình anh Nguyễn Văn Chung - chủ trang trại gà đồi lớn nhất thôn Đồng Tâm nằm lọt thỏm giữa khu vườn vải thiều.
 
Ở phía dưới những tán cây lớn ấy, anh Chung quây lưới, dựng chuồng trại và nuôi gần 10.000 con gà lai chọi, hiện đang đến kỳ xuất chuồng. Không phải ai cũng có thể vào khu vực nuôi gà nhà anh Chung, bởi trước khu vực cửa chuồng anh treo tấm bằng lớn "Khu vực miễn dịch cấm vào" và một chú chó giữ tợn ngồi gác cổng. Vụ gà trước, nhờ quảng bá mạnh nên gia đình anh Chung thắng lớn, lãi đến nửa tỷ đồng, còn vụ này tình hình cứ ổn định như hiện nay nhiều khả năng anh sẽ có thu nhập cao hơn thế.
 
Đã lâu lắm rồi, chỉ khi nào có việc gì quan trọng lắm anh Chung mới ra khỏi nhà nhưng không quá nửa ngày bởi anh chẳng mấy khi rời mắt khỏi dàn gà. Trong cả vạn con gà ấy, chỉ cần một con bỏ ăn, xù lông là anh Chung ngủ không yên.
 
"Nhiều năm nuôi gà, những thành bại đều đã nếm trải, vì thế tôi tự rút ra một bài học kinh nghiệm là không bao giờ được chủ quan", anh Chung bộc bạch. Là chủ trang trại nhưng gia đình anh Chung vẫn ở nhà tường đất. Cũng vì gà mà anh còn phải nợ nần. Bao nhiêu vốn liếng, tài sản anh đổ hết cả vào đầu tư nuôi gà mà cái kiểu chăn nuôi tự phát, tùy hứng, mạnh ai nấy làm ấy chỉ cần một lần không may thì khó "ngóc đầu lên được". Sau nhiều năm điêu đứng vì bệnh dịch, thị trường, năm ngoái gia đình anh Chung mới "thắng" được một vụ nhưng vẫn chưa đủ trả nợ.
 
Nói về sự chìm nổi của những người nuôi gà Yên Thế, ông Nguyễn Văn Êm - cha ruột anh Chung chia sẻ: "Làm nông nghiệp thời buổi này khác xưa lắm, cần phải tính toán từng tý một, chỉ cần sai một ly đi một dặm, thậm chí nếu cứ lờ mờ mà thấy người ta làm mình cũng làm theo thì không những không thành công mà có khi chịu kết cục bi thảm".
 
Cũng vì lẽ đó mà trong vòng 4 năm nuôi gà, bố con ông Êm đã bị "đắm" hơn 600 triệu đồng, đó là một số tiền khổng lồ đối với một gia đình nông dân như ông. Ngày đó, nợ chồng chất, trong nhà chẳng còn gì đáng giá, ngày đáo hạn ngân hàng từ đại lý cám, thuốc gia cầm đến cơ sở bán con giống cứ ùn ùn kéo vào đòi nợ. "Đến nỗi thằng Chung con trai tôi phải bỏ xứ vào Nam làm thuê để "chạy nợ" - ông Êm rơm rớm nước mắt.
 
Cũng theo ông Êm, mấy năm trước không chỉ gia đình ông mà nhiều người nuôi gà ở Yên Thế đã phải trả giá, có thời điểm giá gà xuống còn 40.000 đồng/kg trong khi để chi phí cho một con gà đến lúc bán mất chừng 100 nghìn đồng, đó là chưa kể nếu có dịch bệnh thì phải "vùi đi" cả nghìn con gà.
 
2. Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền. Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của người chăn nuôi cũng như các cấp chính quyền, gà đồi Yên Thế được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố, khẳng định được thương hiệu, góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tận gốc gà nhập lậu.
 
Quy trình sản xuất gà đồi Yên Thế cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
 
Đặc biệt, xã Đồng Tâm là địa phương đầu tiên ở Yên Thế có câu lạc bộ chăn nuôi gà đồi. Đây là sân chơi bổ ích của những gia đình tâm huyết và quyết tâm giữ cho kỳ được thương hiệu gà đồi Yên Thế. Gần 100 hội viên câu lạc bộ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, tổ chức thu gom, tiêu thụ gà theo đúng quy trình. Để thành lập câu lạc bộ, một ban liên lạc đã mất nhiều ngày vận động, tuyên truyền, giải thích thiệt hơn cho người tham gia. Vì nếu cứ mạnh ai nấy làm thì người nông dân thua thiệt đủ đường, hết bệnh dịch lại bị thương lái ép giá.
 
Nay các hộ chăn nuôi đã chủ động hơn trong đầu vào, đầu ra, được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn giữa các thành viên câu lạc bộ. Đặc biệt cơ hội "vàng" của gà Yên Thế được khẳng định với chương trình Bắc Giang xây dựng kế hoạch cung ứng gà an toàn cho Hà Nội.
 
Theo UBND huyện Yên Thế, trong vòng 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán vừa rồi, huyện cung ứng khoảng 150 nghìn con gà sống, gần 4.000 con gà sơ chế cho thị trường Hà Nội. Gà Yên Thế còn được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng...
 
Được giá, "được mùa" là lý do bố con ông Êm và nhiều hộ khác ở Yên Thế dự định mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi gà. Tuy nhiên qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết người dân đều thận trọng khi đầu tư mở rộng nuôi gà. "Năm vừa rồi nhiều trang trại gà thắng lợi nhưng không làm người nông dân chúng tôi yên tâm, chỉ mong thị trường gà ổn định về giá, như vậy sản xuất mới có sự bền vững", ông Nguyễn Xuân Hiếu - chủ hộ nuôi gà ở xã Đồng Tâm nói.
 
Ông Hiếu thừa nhận rằng một số ít hộ vì lợi ích trước mắt, khi giá tăng cao đã "bán non" nên chất lượng gà chưa đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng. Hay trong quá trình sản xuất, vẫn có một số hộ chưa tuân thủ nghiêm quy trình chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên chất lượng gà có phần ảnh hưởng, vì vậy nhiều người lo rằng thương hiệu gà đồi Yên Thế bị "lung lay".
 
Ông Lưu Xuân Vượng - Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, huyện đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, tuyên truyền người dân áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Đặc biệt đẩy nhanh việc chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP tại ba xã Đồng Tâm, Tam Tiến, Tiến Thắng và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, nhân rộng trên địa bàn nuôi.
 
Huyện cũng đã tổ chức một số lớp tập huấn quy trình chăn nuôi VietGAP cho hơn 200 hộ dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân, tiến tới chủ động thực hiện tốt quy trình khép kín từ sản xuất con giống, chăm sóc, nuôi dưỡng đến tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo Kim Sa/Thời báo Doanh nhân Sài Gòn