Với trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, diện tích vườn đồi và vườn rừng, Yên Thế đang là huyện có nghề chăn nuôi gà theo hướng thả đồi, thả vườn với số lượng lớn vào tốp đầu toàn quốc với nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn (trên 1.000 con/lứa). “Gà đồi Yên Thế” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể năm 2012.
Theo số liệu thống kê toàn huyện năm 2015 có khoảng 1.200 hộ chăn nuôi gà thịt quy mô trên 1.000 con và tổng đàn gia cầm của huyện hàng năm vào khoảng 15 triệu con. Cùng với việc phát triển chăn nuôi gà thì vấn đề dịch bệnh vẫn luôn là mối nguy hại thường trực, ngoài các bệnh như Niu cát sơn, tụ huyến trùng, phó thương hàn... trên gà còn có bệnh cúm gia cầm truyền lây sang người, gây chết người. Dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi gà, nguy hại tới sức khỏe cộng đồng.
Trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, sức ép giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi gà, đồng thời phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên thị trường đòi hỏi chăn nuôi gà phải đổi mới, kiểm soát được các dịch bệnh; xây dựng được các cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh tạo ra sản phẩm gà Yên Thế chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính vì vậy, năm 2015, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Thú y đã thực hiện dự án: “Xây dựng cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh trên địa huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang”.
Đến thăm mô hình nuôi gà giống của gia đình anh Đặng Trần Hoạt, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế là một trong 10 cơ sở chăn nuôi gà bố mẹ được lựa chọn để xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Gia đình anh đã có hơn 10 chăn nuôi gà giống bố mẹ và đâu tư hệ thống ấp nở để cung cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Với 2 lò ấp, 1000 con gà bố mẹ, mỗi tháng gia đình anh cung cấp hơn 2 vạn con gà giống cho bà con trong vùng. Khi dự án xây dựng cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh trên địa huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang. Gia đình anh được hỗ trợ quy trình kỹ thuât, thuốc thú y và chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình gà giống bố mẹ với quy mô 500 con. Anh Đặng Trần Hoạt cho biết: “Từ khi chăn nuôi theo quy trình của dự án, chi phí thuốc thú y cho gà giảm hẳn, tiết kiệm chi phí thức ăn, tỷ lệ đẻ trứng của gà cao hơn. Nhận thấy, mô hình chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh hiệu quả, gia đình anh đã áp dụng luôn quy trình chăn nuôi này cho 50% số gà còn lại của gia đình”.
Ngoài 10 cơ sở chăn nuôi gà bố mẹ an toàn dịch bệnh để cung cấp con giống cho bà con chăn nuôi, dự án còn lựa chọn 5 cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm quy mô 1000 con/đàn. Anh Lăng Hồng Văn - thôn Tiến Trung, xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế là một trong những hộ chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn từ khi bắt đầu nuôi gà. Mỗi năm, gia đình anh duy trì khoảng hơn 10 nghìn gà thương phẩm. Với diện tích hơn 1ha vườn đồi, gia đình anh chia làm 4 khu chăn thả để tái đàn liên tục, các giống gà được lựa chọn để đưa vào chăn là những giống được mua ở các trại giống uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Với chi phí 90 triệu cho 1 nghìn gà, với giá hiện tại 57 nghìn đồng/kg mỗi lứa trừ chi phí anh thu lãi hơn 20 triệu đồng.
Anh Lăng Hồng Văn cho biết: “Tuy có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng một số bệnh ở gà anh vẫn còn gặp khó khăn trong việc nhận biết và phòng trị. Sau khi tham gia dự án, anh được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, từ việc chọn giống đầu vào chon đàn, phương pháp phòng chống dịch bệnh trước khi tiến hành tái đàn... với quy trình chăn nuôi an toàn này đàn gà của gia đình luôn khỏe mạnh, tăng trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống của cao hơn hẳn”.
Đặc biệt, sau khi lấy các mẫu xét nghiệm đàn gà của gia đình anh đảm bảo đủ điều kiện an toàn và đang được hoàn thiện hồ sơ để Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận.
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở chăn nuôi gà bố mẹ, cơ sở chăn nuôi gà thương phẩm an toàn dịch bệnh, dự án còn tiến hành đào tạo cho 15 thú y cơ sở về kỹ năng chuẩn đoán, phát hiện, xử lý ổ dịch, hơn 80 lượt hộ chăn nuôi được tập huấn về phòng chống dịch bệnh trên đàn gà và chăn nuôi an toàn dịch bệnh cho gà, đồng thời đang tiến hành hoàn thiện 2 quy trình chăn nuôi cơ sở an toàn dịch bệnh. Để các hạng mục của dự án đạt được kết quả tốt nhất, đem lại lợi ích cao nhất cho bà con nông dân cần có sự phối hợp chỉ đạo, thực hiện của các đơn vị liên quan một cách chặt chẽ.
Trong chăn nuôi gà chi phí cho dịch vụ thú y, phòng chống dịch bệnh chỉ từ 5-10% tổng chi phí thành phẩm nhưng nó là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng, quyết định đến thành bại của người chăn nuôi. Nếu để dịch bệnh xảy ra, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm toàn đàn có thể bị chết, tiêu hủy; thiệt hại về kinh tế là rất lớn; dịch xảy ra trầm trọng, lan rộng có thể làm mất thương hiệu sản phẩm chăn nuôi. Dự án triển khai đã xây dựng đảm bảo đàn bố mẹ và đàn gà thịt tại các sơ sở chăn nuôi an toàn dịch, tăng hiệu quả thu nhập cho người chăn nuôi từ 10-15%.
Theo thống kê trên địa bàn huyện Yên Thế có trên 60 hộ chăn nuôi gà bố mẹ, 40 cơ sở chuyên ấp nở cung cấp con giống thương phẩm, khoảng trên 70 hãng với trên 150 đại lý chuyên cung cấp thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Trên địa bàn cũng có trên 100 thương nhân thường xuyên tổ chức các dịch vụ thu mua và tiêu thụ gà đồi Yên Thế đến các thị trường lớn trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh: Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… Chính vì vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi gà được công nhận an toàn dịch bệnh là mô hình, điển hình trình diễn, tạo ra sức lan tỏa để nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Nhiều cơ sở an toàn dịch bệnh sẽ là tiền đề, là hạt nhân của vùng an toàn dịch bệnh, mở ra cơ hội xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm - một trong những điều kiện bắt buộc để xuất khẩu đó là gia cầm, sản phẩm gia cầm xuất phát từ cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh./.
ĐT
Tin liên quan:
- Chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị (15-08-2024)
- Những lưu ý trong nuôi gà đẻ trứng sạch (20-06-2024)
- Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP (06-12-2023)