Vài ngày qua, giá lợn tại một số địa phương trên cả nước bất ngờ tăng mạnh, từ 25.000 đồng/kg lên 38.000-40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi lên đến 45.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, người chăn nuôi đã có lãi, tuy nhiên hiện đang có tình trạng một số trang trại không chịu bán lợn mà "găm hàng" chờ giá lên cao nữa mới bán.
 
 

Ảnh minh họa.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) để tìm hiểu rõ vấn đề này.
 
- Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao giá thịt lợn lại tăng nhanh như vậy? 
 
Ông Hoàng Thanh Vân: Nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh là do số lượng lợn trong thời gian vừa rồi bán ra tương đối nhiều nên đàn lợn giảm đáng kể. Theo tổng hợp sơ bộ từ các địa phương, trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn lợn cả nước đã giảm 1,2 triệu con; trong đó có cả lợn nái và lợn thịt. Như vậy, hiện tổng đàn lợn cả nước hiện còn khoảng 27,2 triệu con. 
 
Nếu theo tiêu chuẩn đàn lợn thì số lượng như vậy đủ cho mức tiêu thụ trong nước. Do đó, mức giá như hiện nay, từ 38.000-40.000 đồng/kg, đã bình thường như mọi năm. Tuy nhiên, so với giá cách đây một tháng thì mức giá này đã tăng lên rất nhiều. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, kiểm soát thú y, sắp xếp lại thị trường thịt lợn cũng tốt hơn trước đây. Theo tính toán của Cục, mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 300.000 tấn. Như vậy, số lượng hiện nay cũng là vừa đủ để tiêu dùng.
 
Ngoài ra, trong giai đoạn vừa qua, số lợn đến kỳ xuất chuồng bán đồng loạt một lúc nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn. Trong khi đó, số lượng lợn để thịt lại thiếu làm cho thị trường khan hiếm một chút. Đồng thời, có hiện tượng một số trang trại có lợn đến tuổi xuất chuồng rồi vẫn giữ lại đợi giá lên để bán. Đây cũng là nguyên nhân làm cho giá lợn tăng. 
 
- Hiện, có nhiều chủ trang trại, người chăn nuôi đang kỳ vọng giá thịt lợn sẽ còn tăng nữa. Ông nhận định thế nào về việc này? 
 
Ông Hoàng Thanh Vân: Hiện nay, mức giá có nơi lên đến 45.000 đồng/kg, mức giá này là cao. Nếu giá còn tăng cao nữa là chắc chắn có vấn đề. Do đó, người chăn nuôi cần phải cảnh giác với hiện tượng giá tăng cao bất thường. Tại một số nơi thiếu nguồn cung cục bộ, giá sẽ bị đẩy lên. Nếu chỉ nhìn vào đó mà ồ ạt tăng đàn thì sẽ rơi vào tình trạng như vừa qua. 
 
Do đó, Cục khuyến nghị người chăn nuôi phải bình tĩnh trước "cơn bão giá", trên cơ sở đó, duy trì tổng đàn hợp lý và căn cứ vào vùng sản xuất. Bởi hiện tất cả các tỉnh đều có hội, hiệp hội chăn nuôi, qua đó biết được lượng tiêu thụ cho thị trường là bao nhiêu để điều tiết. Người chăn nuôi cũng không nên quá kỳ vọng vào giá lợn sẽ lên cao nữa. 
 
- Cục có dự báo như nào về tình hình chăn nuôi trong thời gian tới? 
 
Ông Hoàng Thanh Vân: Theo tổng hợp đánh giá của Cục, tình hình chăn nuôi lợn vừa qua có một số hộ nuôi từ 20-150 con đã bỏ nuôi nhiều, do đó tại một số khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Nhưng xét về tổng thể thị trường không thiếu thịt lợn. 
 
Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung về thịt lợn cho thị trường là không thiếu, và ổn định từ 280.000-300.000 tấn/tháng, đủ cho tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, đàn lợn hiện nay đã được chọn lọc nên chất lượng đàn lợn con tốt hơn. Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại đưa vào khai thác đàn lợn nái có chất lượng tốt hơn so với trước. 
 
- Vậy, Cục Chăn nuôi có khuyến cáo gì cho người chăn nuôi? 
 
Ông Hoàng Thanh Vân: Việc giá tăng, giảm là do thị trường điều tiết. Tuy nhiên ở đây có một vấn đề cần phải lưu ý là tâm lý của người chăn nuôi, do đó, Cục đã có những văn bản gửi các địa phương yêu cầu phải tập trung vào nội dung là thường xuyên cung cấp thông tin của địa phương mình cho người chăn nuôi biết. Cục sẽ cung cấp thông tin dựa trên tổng thể của cả nước, từ đó để người chăn nuôi biết và quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần nâng cấp chất lượng đàn lợn giống nhằm giảm giá thành chăn nuôi, đảm bảo chăn nuôi có lãi. 
 
Đối với những hộ, trang trại, doanh nghiệp có lợn đã đến tuổi xuất chuồng nên bán ra thị trường, tạo sự cân bằng cho thị trường, tránh mất cân đối cung cầu, tránh thiếu cục bộ hoặc khan hiếm giả, bị đẩy giá, thiệt thòi cho người tiêu dùng. Trong thời gian vừa qua, mặc dù giá thịt lợn rất thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao. 
 
Ngoài ra, các địa phương cần thông tin cho doanh nghiệp và người chăn nuôi được biết, việc mở rộng hay tăng quy mô đàn cần phải hết sức thận trọng, và phải căn cứ vào vùng sản xuất của từng địa phương. Nếu ồ ạt tăng đàn mà bất chấp khuyến cáo thì sẽ lại rơi vào tình trạng thừa nguồn cung như vừa qua. Do đó, người chăn nuôi cần phải bám sát vào diễn biến thị trường để quyết định đầu tư. Tuyệt đối không nghe vào tin đồn, nuôi theo kiểu truyền tai nhau không có căn cứ. 
 
- Xin cảm ơn ông!
 
 
                                                                                                                        Theo Thành Trung/Vietnam+