Vừa qua, gia đình ông Vương Quốc Lượng, thôn An Hòa, xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có một số con ngan bị chết.
Ngay khi nhận được tin báo, cán bộ chuyên môn của xã, huyện đã tổ chức chôn hủy xác gia cầm; tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột.
Trước đó, gia đình ông Bùi Hữu Tuyến, thôn Đông Phú, xã Xuân Phú và hộ ông Nguyễn Văn Tín, thôn Núi Ô, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) có hơn 100 con gà, ngan bị chết. Biểu hiện nghi mắc cúm gia cầm nên ngay khi nhận được tin báo, Trạm Thú y huyện nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử lý ổ bệnh; đồng thời phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột ở khu vực chăn nuôi và vùng lân cận; hỗ trợ kinh phí cho người dân khi gia cầm bị tiêu hủy.
Bà Trần Thị Tuyên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện đánh giá, nguyên nhân bệnh xảy ra là do các hộ chưa sát sao với đàn vật nuôi. Đơn cử như hộ ông Tín mua giống trôi nổi trên thị trường thả lẫn vào đàn nuôi của nhà, từ đây bệnh đã lây lan. Còn hộ ông Tuyến thì chưa chú trọng tiêm phòng đầy đủ cũng như vệ sinh chuồng trại theo quy định.
Qua rà soát đàn gia cầm của xã Tiến Dũng, Xuân Phú cho thấy có khoảng 10 nghìn con trong diện phải tiêm phòng. Do vậy, UBND huyện Yên Dũng đề nghị Sở NN- PTNT hỗ trợ vacxin dự phòng tiêm toàn bộ đàn gia cầm. Huyện phát động toàn huyện thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng; cấp phát hơn 550 tấn hóa chất; 2 tấn vôi bột/xã nhằm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Theo Sở NN-PTNT, ngoài huyện Yên Dũng, hiện nay gia cầm chết rải rác tại một số địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, việc ngăn ngừa dịch bệnh còn khó khăn. Ông Ngô Văn Môn, cán bộ thú y xã Tiến Dũng nói: “Nhiều hộ nghĩ rằng, gà nuôi thịt chỉ trong vài tháng là xuất chuồng nên không cần tiêm phòng. Bởi vậy, tỷ lệ tiêm phòng của xã thấp. Nguồn bệnh thường khởi phát từ vật nuôi không tiêm vacxin, sau đó lây lan sang đàn khác”.
Tại các huyện Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang cũng có tình trạng tương tự, đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không hợp tác nên việc phòng bệnh kém hiệu quả. Hiện nay, Bắc Giang có hơn 13 triệu con gia cầm. Công tác phòng ngừa bệnh của người dân còn hạn chế cộng thêm thời tiết diễn biến phức tạp đã gây bất lợi cho vật nuôi. Có thời điểm nắng nóng gay gắt, sau đó mưa lớn đã khiến sức đề kháng của gia cầm giảm, dễ mắc bệnh.
Hơn nữa, virus cúm gia cầm H7N9 đã xâm nhập tại một số vùng của Trung Quốc, tiếp giáp với nước ta. Mùa này đang là thời điểm xuất hiện mưa lũ, rất có thể kéo theo nguồn bệnh từ thượng nguồn sông suối về, có nguy cơ cao xâm nhập vào đàn vật nuôi của tỉnh. Chủng virus H7N9 vẫn chưa có vacxin phòng trị, không làm chết gà nhưng có thể lây sang người. Người nhiễm virus có tỷ lệ tử vong cao.
Đi đôi với biện pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng để tạo lá chắn vững chắc bảo vệ đàn gà cần quản lý, phòng ngừa đồng bộ từ khâu lựa chọn con giống, chăm sóc cho đến lưu thông; hạn chế thấp nhất mầm bệnh xâm nhập, phát sinh. Trong đó, người dân phải tự bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Cán bộ thú y cơ sở thường xuyên bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời ổ bệnh, không để lây lan diện rộng.
Theo nongnghiep.vn
Tin liên quan:
- Chăn nuôi gà đồi Yên Thế theo chuỗi giá trị (15-08-2024)
- Những lưu ý trong nuôi gà đẻ trứng sạch (20-06-2024)
- Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP (06-12-2023)