Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, chỉ với 80 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản ban đầu, sau 2 năm anh Tuấn đã có được 1.600 đôi chim giống, trị giá ngót nghét 1 tỷ đồng.
Anh Chu Văn Tuấn ở thôn Phần Dương, xã Đào Dương, huyện Ân Thi, Hưng Yên là chủ trang trại, mới tiến hành nuôi chim bồ câu từ cuối năm 2015 tới nay.
 
 

 
Trại chim câu của anh Tuấn
Hiện tại trại chim của anh đang khai thác kinh doanh, trung bình mỗi tháng cung ứng ra thị trường hơn 900 đôi chim thương phẩm các loại, doanh thu gần 120 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lãi trên 30 triệu đồng/tháng.
 
Anh Tuấn vẫn đang tiếp tục mở rộng chuồng trại, đầu tư dây truyền điện máy để tự động hóa khác khâu thu dọn vệ sinh và cho chim ăn uống, giúp giảm áp lực công lao động, nâng công suất trại nuôi lên trên 2.000 đôi chim sinh sản.
 
Khác biệt trong kỹ thuật nuôi chim sinh sản của anh Tuấn là: Giảm tỷ lệ khẩu phần ăn công nghiệp, tăng thức ăn ngô, thóc và ghép trứng của 3 đôi chim đẻ cho 1 đôi chim ấp (mỗi chim mái ấp 3 quả). Như vậy, sau đẻ sẽ có hơn 30% số chim trong đàn không phải ấp trứng lại tiếp tục đẻ. Cách làm này đã giúp tăng sản lượng chim xuất chuồng, tăng thu nhập bền vững, và kéo dài chu kỳ khai thác chim thương phẩm trên đàn chim bố mẹ.
 
Anh Tuấn cho biết, hiện nay nhiều người chăn nuôi đã thúc chim mắn đẻ bằng cho ăn thuần công nghiệp hoặc gia tăng tỷ lệ ăn công nghiệp, giảm tỷ lệ ngô, thóc trong khẩu phần ăn của chim, cách nuôi này sẽ nhanh phải thay mới giống bố mẹ, tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả chăn nuôi.
 
Để tránh lãng phí khi cho chim ăn ngô hạt, anh Tuấn đã xay ngô thành 3 - 4 mảnh/hạt, đã giúp giảm được 60 - 70% thức ăn ngô rơi vãi, chim lấy thức ăn dễ dàng hơn.
 
Để đảm bảo đàn chim nuôi luôn khoẻ mạnh phải nuôi chim nhốt chuồng và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày. Thường xuyên kiểm tra loại bỏ kịp thời các con chim gầy yếu, kém đẻ, có biểu hiện ủ rũ, ít ăn, chân khô, phân xanh, vàng, trắng, nhớt. Định kỳ 15 ngày bổ sung vào thức ăn cho chim kháng sinh Animox - 50 liền trong 3 ngày.
 
Sau đó tiếp tục cho ăn thảo dược Toxin Gold để giải độc gan. Nước uống cho chim phải đảm bảo luôn sạch, nhằm tránh chim mắc bệnh tiêu chảy. Và tuyệt đối không nuôi chim cùng hoặc gần các trại nuôi gia cầm khác như ngan, gà, vịt...
 
Để kinh doanh con giống phải luôn có chuồng nuôi chim hậu bị và bổ sung thay thế ổn định đàn hoặc mở rộng trại nuôi. Chim nuôi hậu bị cần chọn các chim con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, đồng đều, không dị tật, không nhiễm bệnh, được sinh ra từ các cập chim bố mẹ mắn đẻ. Tỷ lệ đàn nuôi hậu bị nên là 55 chim trống/50 chim mái.
 
Cho chim ăn ngày 2 lần (sáng, tối). Định lượng ăn với chim sinh sản là 150gr/1 đôi/1 ngày (bao gồm cả chim con chưa tách mẹ), với chim nuôi hậu bị là 60 - 70gr/1 đôi/1 ngày. Thức ăn cho chim bao gồm ngô hạt xay mảnh và cám công nghiệp loại cho nuôi vịt đẻ.
 
Tâm sự với chúng tôi về thành công nuôi chim câu của mình anh Tuấn bộc bạch: Do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, nên anh chỉ nghĩ nuôi thêm 100 đôi chim câu tranh thủ những thời gian sớm tối, để mỗi tháng có thêm vài triệu đồng trang trải cho nhu cầu cuộc sống tối thiểu. Nhưng phải đầu tư tới 3 lần anh mới đủ tiền mua 80 đôi chim giống. Sau đó lượng chim con sinh ra bao nhiêu anh cũng đều chọn lọc để nhân nuôi làm giống. Kết quả đạt được thật bất ngờ như đã nêu trên, mà đến nay đôi lúc anh vẫn ngỡ ngàng.
 
"Đây là mô hình chăn nuôi bền vững, hiệu quả cao, rất phù hợp mở rộng phát triển cho các địa phương thuần nông, nhất là với các gia đình kinh tế còn khó khăn, có thể giảm nghèo, làm giàu nhanh như anh Tuấn, cũng là cách tăng thu nhập ổn định cho những người hết tuổi lao động", bà Nguyễn Thuý Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ân Thi.
Theo nongnghiep.vn