Như chúng ta đã biết các hoạt động Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giải quyết những vấn đề cấp thiết của thực tiễn trong quá trình phát triển. Những kết quả nghiên cứu đạt được đã góp phần đảm bảo cho quá trình phát triển Kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên việc nhân rộng kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án, mô hình ứng dụng KH&CN còn chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn. Đây cũng là tồn tại lớn nhất trong hoạt động KH&CN mà xã hội đang quan tâm.
 
1. Thực trạng việc nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án, mô hình KH&CN đã được nghiệm thu, đánh giá  hiện nay ở tỉnh Bắc Giang
 
Một số kết quả của các đề tài, dự án được thực hiện qua các năm đã đi vào cuộc sống nhưng chưa đồng bộ, mức độ lan tỏa chưa nhanh, chưa sâu rộng. Cụ thể như: Kết quả của dự án “ áp dụng phương pháp canh tác SRI vào cây lúa tại Yên Dũng”; đề tài nhân giống cá rô phi đơn tính; đề tài nuôi Ong Ý; một số đề tài thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục... Nguyên nhân của việc các kết quả nghiên cứu chưa được nhân rộng trước hết do hiệu quả của các nghiên cứu chưa thực sự hấp dẫn nên thiếu sức thuyết phục, ngoài ra do chưa có cơ chế hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu sau khi đã nghiệm thu; Tỉnh chưa có đủ nguồn lực để nhân rộng nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, thực trạng việc nhân rộng đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí và cơ chế chính sách hỗ trợ.
 
2. Đề xuất một số giải pháp
 
Để các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của các đề tài, dự án, mô hình KH&CN đã được nghiệm thu, được nhân rộng ra trong sản xuất và đời sống cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đề tài, dự án, công nghệ áp dụng phải phù hợp với trình độ của nguồn nhân lực, muốn vậy phải làm thật kỹ từ khâu xây dựng định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN hàng năm, đến khâu xét duyệt thuyết minh... áp dụng cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN.
 
- Sở KH&CN cần phối hợp với các Sở liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án đã thành công tiếp tục được nhân ra diện rộng để tạo vùng sản xuất hàng hóa và thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu trong nhân dân, đồng thời khẳng định được tính bền vững của các dự án.
 
- Cần đưa nội dung Quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền (nơi triển khai đề tài, dự án), các Sở, Ngành (đơn vị chủ trì thực hiện) đối với việc nhân rộng kết quả các mô hình của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu, đánh giá tốt vào trong nội dung trình Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định phê duyệt thực hiện các đề tài, dự án.
 
- Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động thực tế của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của KH&CN trong sự phát triển KT-XH.
 
- Sở KH&CN cần tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích và hỗ trợ tích cực cho các nhà khoa học, các tập thể nghiên cứu ứng dụng đứng ra thành lập Doanh nghiệp khoa học công nghệ, để đưa các kết quả nghiên cứu, triển khai công nghệ mới vào sản xuất được nhanh chóng và hiệu quả.
 
- Trong nội dung phối hợp với các ngành trong hoạt động KH&CN cần thực hiện một số nội dung chủ yếu sau đây:
 
* Phối hợp với Sở Nông nghiệp:
 
- Xây dựng kế hoạch phối hợp sử dụng nguồn nhân lực của mạng lưới khuyến lâm, khuyến nông với sự tham gia tích cực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Tin học và TTKH&CN nhằm cung cấp đầy đủ, nhanh, kịp thời các dịch vụ hỗ trợ đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ KH&CN.
 
- Kết hợp chặt chẽ giữa chương trình xóa đói giảm nghèo với chương trình hỗ trợ KH&CN nông thôn miền núi.
 
* Phối hợp với Sở Công Thương:
 
- Xây dựng kế hoạch phối hợp sử dụng nguồn nhân lực của mạng lưới khuyến công vào hoạt động KH&CN.
 
- Đối với các vùng còn duy trì tập quán lạc hậu, cần phát triển hệ thống HTX tín dụng thật sự của nông dân gắn với khuyến nông để giúp các hộ nghèo phát triển nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.  Tích cực tuyên truyền về lợi ích của kinh tế hàng hóa, đồng thời cần có chính sách cụ thể để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
 
- Đối với các vùng đã có kinh tế hàng hóa, cần phát triển mạnh hơn nữa thị trường nông thôn bằng cách xây dựng hệ thống HTX tiêu thụ và chế biến nông sản, giúp nông dân tham gia vào thị trường và bảo vệ quyền lợi của mình trên thị trường.
 
- Hai Sở cần phối hợp tổ chức các Trung tâm thông tin thị trường để giúp nông dân kịp thời nắm bắt thông tin, tổ chức đào tạo cán bộ thương mại cho các HTX.
 
* Phối hợp với Sở Tài chính
 
- Hai Sở cần phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh:
 
+  Ban hành Kế hoạch thực hiện đa dạng hóa các nguồn kinh phí cho hoạt động KH&CN thông qua các biện pháp ưu đãi thuế, tín dụng, phân chia lợi ích trong chuyển giao và áp dụng tiến bộ công nghệ.
 
+ Ban hành cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thành lập Quỹ phát triển KH&CN để hỗ trợ cho các hoạt động KH&CN.
 
+ Tăng nguồn kinh phí đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước theo lộ trình đã được ban hành trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Bắc Giang đến năm 2020.
 
* Phối hợp với Sở Nội vụ:
 
- Tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định bố trí biên chế cho hoạt động KH&CN ở cấp huyện.
 
- Tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định bố trí tăng biên chế cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN.
 
Có thể nói kết quả của các đề tài, dự án, mô hình KH&CN khi xây dựng thành công sẽ tạo ra môi trường hợp pháp, hấp dẫn để huy động các nguồn lực trong xã hội nhằm phát triển KT-XH, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của KH&CN đối với phát triển sản xuất, thay đổi tư duy cách làm cho người lao động cũng như người quản lý. Kết quả của các đề tài, dự án, mô hình KH&CN đạt được là cơ sở thực tiễn để các ngành, các cấp, các địa phương, các tổ chức đoàn thể ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các hoạt động KH&CN và trực tiếp tham gia nhân rộng.
 
                                 Nguyễn Thị Phương Lan