Nói đến gương điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo của xã Quảng Thọ (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế), bà con ai cũng nhắc đến tinh thần và ý chí vươn lên của cựu chiến binh Lê Âu. Việc mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi chim cút không chỉ giúp anh thoát nghèo mà còn vươn lên khá - giàu.
 
Nhập ngũ năm 1981 ở Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 83, vùng 4 Hải quân, từng đóng quân tại quần đảo Trường Sa và Cam Ranh, phẩm chất của người lính không ngại gian khổ đã giúp anh Âu vượt qua khó khăn. Sau khi ra quân, năm 1999, nhận thấy quê hương có thế mạnh về sông nước, thích hợp cho việc nuôi cá lồng, anh đã chuyển dần từ sản xuất lúa nước sang nuôi cá. Nhưng với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên mô hình nuôi cá trở nên bấp bênh và tốn nhiều công sức. Nhiều lần anh phải chịu cảnh mất trắng bởi lũ lụt đã cuốn đi hầu hết các lồng bè. Nhưng mọi khó khăn không làm anh chùn bước.
 
Sau những thất bại trên, anh đã rút ra kinh nghiệm xương máu cho bản thân. Lần này, anh bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu những cây, con thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và cuối cùng, chim cút là loài vật nuôi được anh lựa chọn. Giờ đây, anh toàn tâm toàn ý phát triển nuôi chim cút, sau khi đã có những kiến thức sâu rộng về loài vật nuôi này.
 
Ban đầu, số vốn anh bỏ ra tương đối lớn. Với 50 triệu đồng, anh đầu tư vào trang trại, mua lồng, cùng với đó úm mẻ chim giống đầu tiên với số lượng 1.000 con. Và cứ 1 tháng, đàn chim cút của anh lại tăng thêm 1.000 con. Sau 7 tháng, anh đã có một trang trại nuôi chim cút với số lượng ổn định 7.000 con.
 
Thời gian để một con chim cút trưởng thành và đẻ trứng là khoảng 40 ngày (chim bói). Cứ một mẻ chim bói khoảng 2.000 con. Sau 2 tháng thì mẻ đó coi như đòng, tức là ổn định, số lượng chim đẻ trứng khoảng 85-90%. Ưu thế nổi trội của chim cút là liên tục cho trứng trong vòng 7 tháng. Sau khoảng thời gian trên thì năng suất trứng sụt giảm. Khi đó, mẻ chim này được "thải" bằng cách bán lại cho tư thương với giá 9.000 - 12.000 đồng/con. Anh Âu cho biết, nuôi chim cút đòi hỏi phải chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát, đảm bảo đủ ánh sáng. Mật độ nuôi không quá dày (50-60 con/m2). Riêng mùa đông, do thời tiết lạnh, chúng sinh sản chậm nên cần đảm bảo ánh sáng và tăng độ ấm, nên để mật độ nuôi ở mức 70 - 80 con/m2.
 
Bên cạnh thuận lợi, việc nuôi chim cút hiện cũng gặp không ít khó khăn. Anh Âu tâm sự: "Nếu gặp dịch bệnh thì người chăn nuôi rất khó thoát khỏi thua lỗ vì đặc tính lây lan nhanh của chúng, không loại trừ khả năng có thể mất trắng". Một khó khăn nữa mà anh đang gặp phải là thiếu điều kiện để phát triển quy mô lớn bởi nuôi ở khu dân cư thì không đảm bảo vệ sinh, còn mở rộng trang trại thì xã chưa có quỹ đất.
 
Cho đến bây giờ, anh Âu đã có một trang trại bề thế với mức thu nhập tương đối cao. Mỗi ngày, đàn cút 7.000 con đem lại cho gia đình anh 5.500 trứng. Cứ 1.000 trứng anh thu về 400.000 đồng. Anh Âu chia sẻ: "Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình tôi thu nhập 15 triệu đồng".
 
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Âu còn giúp các hộ muốn nuôi cút kinh nghiệm chăn nuôi. "Được sự giúp đỡ tận tình của anh Âu, gia đình tôi đã tìm được hướng đi phù hợp cho mình. Chim cút đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ", anh Lê Phương, hàng xóm của anh Âu tâm sự.
 
                                                                                                                                                                                                                           Theo KTNT