Biến khó khăn thành lợi thế
 
Thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu có diện tích đồi bãi rộng, trước đây người dân chủ yếu trồng chè và măng nhưng do đất cằn cỗi nên hiệu quả kinh tế thấp. Đất cấy lúa có nhiều chân ruộng trũng chỉ cấy được một vụ ăn chắc, vụ còn lại hay bị ngập úng. Thế nhưng, Lộc Ninh lại có ngòi Cầu Si chảy qua, thuận lợi lấy nước để nuôi trồng thủy sản. Khai thác lợi thế và khắc phục khó khăn, từ năm 1995, nhiều hộ trong thôn mạnh dạn cải tạo đất đồi đầu tư xây dựng chuồng trại kết hợp dồn đổi ruộng trũng để làm trang trại. 
 
Đi đầu trong phong trào này là gia đình ông Trần Công Thịnh. Trên diện tích hơn 1 ha ruộng trũng, đồi bãi hoang hóa, ông cải tạo để chăn nuôi lợn và thả cá. Vừa làm vừa mở rộng quy mô, mấy năm gần đây, mỗi năm gia đình ông bán khoảng 25 tấn cá, gần 60 tấn lợn hơi, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình ông có cuộc sống khấm khá, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Nhiều hộ khác cùng thôn cũng mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại. Gia đình anh Nguyễn Văn Báu là một điển hình. Năm 1997, gia đình anh vay mượn họ hàng gần 30 triệu đồng để nhận chuyển nhượng hơn 2,9 mẫu đất đồi cằn cỗi, hoang hóa, ruộng trũng làm trang trại. 
 
Anh Báu tâm sự: “Ban đầu, vừa thuê máy đào ao, vợ chồng tôi vừa quần quật cả tháng xây bờ bao, trên đồi phát hoang cỏ dại, san phẳng làm chuồng nuôi lợn”. Lấy ngắn nuôi dài, những ngày đầu anh trồng khoai, sắn để nuôi lợn. Đến nay, trang trại được xây dựng hợp lý, chuồng nuôi lợn nái, lợn thịt hướng nạc quy mô từ 400-500 con/lứa ngay cạnh ao cá. Đất chẳng phụ công người, mấy năm gần đây, năm nào gia đình anh cũng có doanh thu hơn hai tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 400-500 triệu đồng. Thôn Lộc Ninh hiện có 10 chủ trang trại, chủ yếu nuôi lợn kết hợp nuôi trồng thủy sản, doanh thu đều đạt từ hai tỷ đồng/năm trở lên. 
 
Không chỉ thôn Lộc Ninh, ở xã Ngọc Châu còn có các làng trang trại ở thôn Quang Châu, Bằng Cục... Ông Trần Toàn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã nói: “Hiện nay, toàn xã có 25 trang trại có doanh thu từ 1 đến hơn 3 tỷ đồng/năm, tập trung chăn nuôi lợn và thả cá, đó là chưa kể hàng chục gia trại cũng có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Các chủ trang trại này đã đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới. 
 
Hiện xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí thu nhập đạt 26 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 4%”. Được biết hiện Tân Yên có 20 làng trang trại ở các xã: Song Vân, An Dương, Việt Ngọc, Việt Lập, Liên Chung, Cao Thượng, Cao Xá…, mỗi làng có từ 8-10 trang trại.
 
Ưu tiên cho trang trại
 
Kinh tế trang trại ở Tân Yên phát triển mạnh, tăng dần về số lượng và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn huyện có gần 300 trang trại đạt tiêu chí Bộ Nông nghiệp và PTNT, thu nhập từ 700 triệu đồng đến hơn 5 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là chăn nuôi, thủy sản, kinh tế tổng hợp, trồng trọt. 
 
Ông Ngô Xuân Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Làng trang trại hình thành đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, tạo ra nhiều vùng sản xuất tập trung, chất lượng đồng đều. Doanh thu từ trang trại toàn huyện mỗi năm đạt từ 500-700 tỷ đồng. Đây là nguồn thu đáng kể góp phần xây dựng nông thôn mới”. 
 
Đặc biệt, từ phát triển kinh tế trang trại, người dân thay đổi tư duy tổ chức sản xuất vươn tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với thị trường; các chủ hộ liên kết hỗ trợ nhau về con giống, tiêu thụ sản phẩm. Nhất là hiện nay huyện đang xây dựng nông thôn mới, mô hình làng trang trại góp phần giải quyết việc làm ổn định và thời vụ mỗi năm cho 2.000 lao động với mức thu nhập 3-3,5 triệu đồng/tháng. 
 
Để khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn, UBND huyện luôn tạo điều kiện để các hộ dân mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các trang trại. Đi đôi với tuyên truyền, huyện chỉ đạo các xã tích cực dồn đổi ruộng và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mỗi xã, thị trấn có ít nhất ba khu, mỗi khu có diện tích tối thiểu 3 ha làm trang trại nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân xây dựng mô hình kinh tế này. 
 
Đặc biệt, năm 2013, huyện quy hoạch xây dựng làng chăn nuôi thủy sản với diện tích 50 ha tại các thôn: Tân Minh, Phú Thọ, Tân Châu của xã Ngọc Châu; hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng, cá giống. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, đưa cá giống mới vào nuôi thả. 
 
Đặc biệt, giai đoạn 2012-2015, huyện phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện triển khai đề án "Mở rộng đầu tư cho vay nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2012-2015" nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn sản xuất cho các hộ. Ngân hàng huyện đã bố trí hơn 40 tỷ đồng cho các hộ có quy mô trang trại thủy sản từ 2 ha trở lên vay vốn. 
 
Cùng đó, hằng năm, huyện biểu dương, thưởng các trang trại tiêu biểu 5 triệu đồng (trước đây là 3 triệu đồng); thưởng 5 triệu đồng cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản có giá trị hợp đồng từ 1 tỷ đồng trở lên. Số tiền thưởng tuy không lớn nhưng góp phần khích lệ, động viên chủ trang trại kịp thời.
 
Hải Minh (BBG)