Nhằm khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và vùng chiêm trũng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất thủy sản.
Nhờ nuôi cá và lợn, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (xã Yên Lư) có nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
Khai thác tiềm năng
Huyện Yên Dũng có hai con sông lớn bao bọc, mỗi khi vào mùa mưa thường hình thành những "rốn nước" tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Để biến khó khăn thành lợi thế, từ nhiều năm trước, nhân dân nhiều địa phương trong huyện đã có tập quán nuôi cá tại ao hồ với những giống cá chủ yếu là trắm, chép, rô phi... Khi hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư, cải tạo, tại vùng trũng, nông dân chủ yếu nuôi quảng canh, hiệu quả thấp.
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, huyện Yên Dũng triển khai nhiều chính sách đẩy mạnh sản xuất thủy sản, khai thác, sử dụng hiệu quả diện tích mặt nước. Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung cho vay đối với nhiều dự án sản xuất quy mô hộ gia đình.
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ sản phẩm những năm qua tương đối ổn định. Những yếu tố đó đã giúp ngành sản xuất này có bước phát triển mới. Từ những mô hình nhỏ, cho lãi thấp, đến nay trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều trang trại thủy sản quy mô lớn, lợi nhuận cao.
Điển hình như trang trại nuôi cá của anh Phan Văn Hồng ở thôn Bắc, xã Đồng Việt. Sử dụng hơn 2 ha đất, mặt nước, anh Hồng quy hoạch thành từng khu riêng biệt, kết hợp nuôi cá với lợn thịt và nuôi trâu. Mỗi năm, mô hình cho thu lãi hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 13 lao động.
Sản xuất tập trung theo hướng thâm canh
Với định hướng phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp và quảng canh cải tiến, từ năm 2013 đến nay, huyện Yên Dũng triển khai dự án xây dựng vùng nuôi trồng tập trung tại xã Xuân Phú với tổng diện tích hơn 52 ha. Hơn 50 hộ dân đã nuôi thả cá vụ đầu tiên. Ông Lương Văn Đó, thôn Xuân Trung, xã Xuân Phú cho biết, khi nhận bàn giao ao nuôi cá từ dự án, gia đình ông đã đầu tư cải tạo xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp, bố trí hợp lý khu ương cá giống và sản xuất cá thương phẩm. Ông hy vọng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, dự án sẽ tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng.
Năm 2015, UBND huyện tiếp tục triển khai một số mô hình nuôi cá thâm canh tại ba xã: Đồng Phúc, Yên Lư và Đồng Việt. Người dân tham gia được hỗ trợ một phần về giống, kỹ thuật, chế phẩm sinh học. Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất thủy sản ở Yên Dũng vẫn đối diện với những khó khăn.
Theo ông Dương Văn Phong, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, dù sản xuất có bước phát triển khá nhưng vẫn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Đó là dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, chi phí đầu vào lớn, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua các đầu mối thu mua quy mô nhỏ hoặc đáp ứng tiêu dùng tại chỗ.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích lĩnh vực này phát triển. Trong đó lấy quy hoạch làm trọng tâm để tạo ra những vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, chú trọng tập huấn kỹ thuật mới, qua đó góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Đặc biệt, chú trọng phát triển thủy sản đi đôi với bảo vệ môi trường, ngăn chặn tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, quan tâm tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư cho lĩnh vực này, tiến tới xây dựng thương hiệu thuỷ sản của huyện Yên Dũng.
Thu Bích http://baobacgiang.com.vn/
Tin liên quan: