Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có chuyến khảo sát vùng nguyên liệu và giới thiệu công nghệ CAS nhằm giúp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng quả vải thiều và các loại rau quả, thực phẩm khác tại tỉnh Bắc Giang.

Đi cùng trong Đoàn có ông Owada Norio, Tổng Giám đốc Công ty ABI (Nhật Bản), là doanh nghiệp sở hữu công nghệ CAS. 
 
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang và đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh, ông Owada Norio đã giới thiệu về công nghệ CAS (viết tắt của Cells Alive System, có nghĩa là các cấu trúc tế bào vẫn hoạt động, hay còn gọi là công nghệ bảo quản tế bào) do công ty ABI nghiên cứu, sáng chế. 
 
Đây là một công nghệ bảo quản đông lạnh tiên tiến, luôn giữ ở nhiệt độ lạnh từ -35 độ C trở lên nhưng vẫn không phá vỡ các màng và thành tế bào, duy trì được các yếu tố quan trọng cấu thành hương vị trong thực phẩm, nhờ đó giúp thực phẩm được bảo quản tốt hơn, giữ được độ ngon, tươi lâu hơn so với công nghệ đông lạnh truyền thống. 
 
Sử dụng công nghệ CAS giúp đảm bảo gần như tuyệt đối độ tươi, ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nhiều loại nông sản, thực phẩm với thời gian bảo quản kéo dài tới 1 năm, thậm chí là 10 năm.
 
Hiện nay, công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm mà còn cả trong ngành chăn nuôi, ngành y học...
 
Sử dụng công nghệ CAS cũng có một số đặc điểm ưu việt khác như thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiều năng lượng (lượng điện tiêu thụ)... 
 
Theo ông Owada Norio, công nghệ này hoàn toàn có thể được áp dụng để giúp bảo quản, chế biến, nâng cao chất lượng quả vải thiều cũng như các loại rau quả, thực phẩm khác vốn có sản lượng hàng năm lớn và là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang. 
 
Sử dụng công nghệ CAS sẽ giúp bảo quản quả vải thiều trong thời gian từ 1-3 năm mà vẫn đảm bảo gần như toàn bộ sản phẩm giữ nguyên được độ tươi ngon. Công nghệ này có thể được sử dụng để chế biến mứt vải và các sản phẩm chế biến khác từ quả vải thiều, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho vải thiều Bắc Giang.
 
Ngoài ra, công nghệ CAS còn có thể được sử dụng trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị cho các loại rau quả khác, các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà, thủy sản... của tỉnh Bắc Giang. 
 
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh cho biết Bắc Giang là địa phương có vùng sản xuất vải thiều lớn nhất nước, năm 2012 có tổng diện tích vải hơn 30.000 ha, sản lượng đạt trên 120.000 tấn. 
 
Tuy nhiên, vải thiều có tính mùa vụ cao, sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên rất khó khăn cho công tác bảo quản, chế biến sau thu hoạch. 
 
Tỉnh cũng có diện tích khoảng trên 20.000ha sản xuất rau các loại hàng năm, có đàn lợn đứng thứ 5 cả nước, đàn gia cầm đứng thứ 3 cả nước. 
 
Do đó, tỉnh có nhu cầu rất lớn về bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nói trên để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. 
 
Ông Hạnh hy vọng trong thời gian tới (trước mắt vụ vải thiều năm 2013) tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty ABI xây dựng được mô hình chuyển giao, ứng dụng thành công công nghệ CAS trong bảo quản, chế biến vải thiều, từ đó có thể nhân rộng ra áp dụng trong bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị cho nhiều loại nông sản khác của tỉnh.
 
 
 
Theo Vietnam