Nắng nóng đang diễn biến phức tạp trên mảnh đất Hà Tĩnh nơi được ví là “chảo lửa túi mưa”. Nền nhiệt tăng cao, kết hợp những trận mưa giông đột xuất vào lúc chiều muộn là nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và gây thiệt hại đối với thủy sản nuôi trồng.
Đã gần 4 giờ chiều, nhưng nắng vẫn như thiêu như đốt trên triền đê Sông Nam, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà. Trên khúc sông gần 500m, có 70 hộ nuôi cá vược, cá hồng mỹ..., thu nhập mỗi năm lên đến cả tỷ đồng. Dưới ánh nắng chiều, khúc sông nhộn nhịp hẳn lên, người thì thoăn thoắt cắt những mớ cá tạp vừa đánh bắt được tại sông hay ướp lạnh từ tủ đá thành những miếng nhỏ để cho cá ăn, người thì vớt vội những mảng bèo Nhật Bản, rác thải đang trôi, người thì vén lưới để cọ rửa. Trao đổi với anh Nguyễn Văn Đức, là người tiên phong, có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng tại đây. Anh cho biết:“Vào mùa nắng, các hộ nuôi cá lồng trong vùng thường xuyên vớt bèo, vớt rác xung quanh lồng nuôi. Tăng cường vệ sinh lưới lồng, cứ 7-10 ngày cọ rửa lưới lồng một lần, mùa mưa một tháng vệ sinh 1 lần. Quan trọng nhất là thức ăn, cá chẽm nuôi bằng thức ăn cá tạp, mùa hè dễ bị ôi nên tuyệt đối phải bảo quản thức ăn tươi cho cá. Đặc biệt từ năm 2014, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh đã giúp các hộ nuôi cá lồng thành lập 01 tổ cộng đồng nên mọi hoạt động của vùng đều được thống nhất triển khai theo quy chế từ việc thả giống, quản lý dịch bệnh, đến khi thu hoạch nên ý thức người dân được nâng lên và giảm được dịch bệnh phát sinh”.
Rời vùng nuôi cá lồng, qua cây cầu Đò Điệm đến với vùng nuôi tôm của xã Thạch Mỹ, vào thăm khu nuôi tôm của anh Nguyễn Công Hùng, tại thôn Yên Giang, những guồng quạt đang quay tít và anh Hùng đang nhanh chân khởi động các giàn quạt nước còn lại. Thấy tôi anh cười và nói: “Nắng quá, cứ phải ở ngoài ao thôi chị à”. Vừa nói anh vừa nhanh tay vớt vội những mảng tảo bị “rớt” lên bờ. Rồi anh nói tiếp: “Hà Tĩnh mình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng rồi lại mưa rét, nuôi trồng con gì cũng khó. Mỗi năm 3 vụ tôm, 02 vụ nắng, 01 vụ đông. Vụ đông tôi không nuôi được vì lạnh rét nên tôm còi, nuôi mãi tốn công tốn của, gặp khi thời tiết rét đậm tôm chết hết. Tôi thường thả tôm từ tháng 4 đến tháng 9. Thời gian này nắng nóng, chiều tối lại hay mưa giông, môi trường dễ bị biến động mạnh. Nuôi tôm là nuôi nước, nên cứ làm sao để ổn định mực nước và các thông số về nhiệt độ, màu nước, độ trong, độ pH, độ mặn, độ kiềm, hàm lượng oxi, NH3, H2S, tảo … là ổn. Nắng nóng thì cấp thêm nước ngọt, mưa giông thì tháo bớt lớp nước bề mặt, đảm bảo mực nước luôn từ 1,3 – 1,5m. Sử dụng quạt nước để khuấy đảo nước, vừa tăng oxy vừa đảm bảo cân bằng các yếu tố giữa các tầng trong ao, tránh hình thành điều kiện yếm khí, gây tích tụ khí độc ở tầng đáy, cũng như sự chênh lệch nhiệt độ và độ muối có thể làm tôm sốc. Định kỳ 7 ngày là phải đánh chế phẩm vi sinh để ổn định màu nước. Sáng mở mắt cho đến tối, tôi không rời mắt khỏi hồ tôm, lúc thì đo thông số môi trường, khi cho tôm ăn rồi xem nó ăn uống bơi lội ra sao, bật quạt rồi bơm nước, vớt tảo…”. Việc bố trí đối tượng nuôi cũng quan trọng, vừa giảm áp lực tiêu thụ vừa dễ quản lý nên với 3,5 ha thì 1,5ha anh nuôi tôm thẻ chân trắng, còn lại 2ha nuôi ghép tôm sú với cua. Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng bệnh mà nhiều năm qua, mặc dù bệnh tôm phát sinh trong ao đất rất nhiều nhưng gia đình anh vẫn có thu nhập ổn định từ 200-500 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi tôm thành công tại đây, với điều kiện kinh tế và năng lực của đa số hộ dân nên nuôi tôm ở mật 40-60 con/m2 là thích hợp. Lót bạt bờ ao là giải pháp hiệu quả ngăn ngừa sự bùng phát khí độc khi có mưa giông đột xuất. Trước khi có giông phải giảm cho tôm ăn, đồng thời bổ sung khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng cho tôm, trên bờ ao rải vôi để giảm độ pH và giúp lắng đọng phù sa từ bờ rửa trôi xuống ao khi mưa xuống. Sự thàng công của 01 vụ nuôi được quyết định bởi 50% từ con giống và 50% từ sự quản lý. Nhật ký ao nuôi cũng góp phần quan trọng trong việc tìm nhanh nguyên nhân và xử lý sự cố, đồng thời là căn cứ dự tính, dự báo cho vụ mùa sau”.
Chào anh Hùng và các hộ dân nuôi tôm, trời đã gần tối, vớt vội khoảng thời gian cuối ngày, tôi chạy nhanh xe đến vùng nuôi ngao của xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà. Nơi chân trời, “hòn lửa”đang dần chìm xuống đáy biển, những người nuôi ngao vội vả thu dọn sản phẩm để ngày mai đưa đi tiêu thụ. Trao đổi với một số hộ nuôi ngao ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ, họ cho biết“Nuôi ngao thành công phần nhiều là việc lựa chọn bãi, cải tạo bãi và con giống. Mùa nắng nóng thì việc cải tạo bãi có nhiều bùn đen rất quan trọng, phải san thưa mật độ để ngao có thể chui xuống sâu, nếu mật độ quá dày ngao bị chồng lên nhau, những con ở trên dễ bị sốc nhiệt độ. Những nơi có nhiều bùn phải phun cát phủ bề mặt bãi từ 1-3cm để che bùn và làm giảm nhiệt độ bề mặt bãi nuôi”.
Qua cuộc trao đổi với các hộ nuôi cho thấy, thành công của người nuôi có được nhờ sự hiểu biết và sự cần cù chịu khó, học hỏi không ngừng. Muốn thành công thì trước hết phải biết được đặc điểm sinh học của đối tượng, thực hiện nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh trong suốt vụ nuôi, từ khi xây ao đến lúc thu hoạch. Đối với những vấn đề ảnh hưởng mà không thể khống chế được thì chúng ta phải tìm cách để thích ứng. Các ban ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nỗ lực dự báo, cảnh báo chính xác tình hình thời tiết và kiểm tra địa bàn để chủ động đối phó với thời tiết và dịch bệnh.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh
Tin liên quan: