Yên Thế là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, có lợi thế về đồi bãi rộng lớn, lại được phủ kín bởi rừng trồng, rất thích hợp cho việc chăn thả. Tận dụng lợi thế này, lãnh đạo huyện Yên Thế đã chủ trương phát triển mạnh việc chăn nuôi gà đồi.
Theo UBND huyện Yên Thế, chỉ tính riêng trong vòng 15 ngày trước và sau Tết Nguyên đán, huyện cung ứng khoảng 150 nghìn con gà lông, gần 4 nghìn con gà qua chế biến cho thị trường Hà Nội. Còn theo số liệu quý I năm 2013, toàn huyện đã cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận 2.055.000 con gà (bao gồm cả gà lông và gà qua giết mổ), tương đương khoảng 3.630 tấn gà thương phẩm. Ngoài ra, gà Yên Thế còn được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng...
Nắm bắt được chủ trương và xu hướng phát triển chăn nuôi gà trên địa bàn, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang đầu tư nuôi gà đẻ trứng, ấp thành con giống cung cấp ngay trên địa bàn huyện. Anh Nguyễn Tiến Mạnh, một chủ hộ chăn nuôi gà ấp ở bản Rừng Dài, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế là một ví dụ điển hình. Anh Mạnh cho biết: Bước đầu, anh cũng gặp nhiều khó khăn và trải qua thất bại. Nhưng đến nay, nhờ tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật, sau 4 năm triển khai, từ quy mô chỉ vài trăm con và một máy ấp, nay anh đã có một trang trại nuôi gà với quy mô trên 3.000 con gà mái đẻ, cùng 4 máy ấp liên tục, mỗi tháng cung cấp khoảng 1 vạn con gà giống trên địa bàn, với giá 8.000 – 10.000/con đợt cao điểm; còn hiện nay, trung bình bán 5.000 – 6.000 đồng/con. Sau khi trừ hết chi phí, một năm anh cũng lãi khoảng 300 triệu đồng; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 thành viên trong gia đình và một số nhân công theo thời vụ trên địa bàn.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, anh Mạnh chia sẻ: Không có bí quyết gì ngoài việc đảm bảo chữ "Tín". Anh luôn đảm bảo chất lượng giống khi giao cho khách. Giống phải có trọng lượng đồng đều trong suốt quá trình nuôi. Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, người mua gặp khó khăn hay thắc mắc vấn đề gì, anh đều xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật.
Anh Nguyễn Văn Tuyến, nhân viên thú y của xã cho biết thêm: Ở đây, do các hộ đều chăn nuôi với số lượng lớn, nên sau khi được cán bộ thú y hướng dẫn, bà con hầu hết đều nắm kỹ thuật rất chắc, từ tiêm vắc xin phòng bệnh đến các loại thuốc chữa bệnh gà thường mắc phải. Nhiều khi cán bộ thú y cũng phải học kinh nghiệm từ bà con, bởi đó là những kiến thực tế mà bà con đã trải qua.
Ở cách nhà anh Mạnh không xa là hộ của bác Bùi Quốc Phú, người ở huyện Tân Yên (Bắc Giang) chuyển lên sinh sống ở Yên Thế được gần 10 năm nay. Quy mô trang trại của bác Phú hiện có 1.000 con gà đẻ trứng và 1.200 con gà hậu bị thay thế cho đàn gà đẻ sau khi thải loại. Trung bình một ngày, bác Phú thu khoảng 700 trứng. Tuỳ từng giai đoạn trứng được giá hay mất giá, nhưng với mức giá 3.500 đồng/quả thì bác Phú vẫn lãi 2.000/quả. Tính ra một tháng, bác thu mấy chục triệu tiền lãi từ trứng gà. Cùng với nuôi gà đẻ trứng, bác Phú còn trồng thêm cây lấy gỗ như: bạch đàn, keo..., mỗi lứa thu hoạch khoảng 600 - 700 triệu đồng (khoảng 6 – đến 7 năm một lứa). Như vậy, tính trung bình, mỗi năm bác cũng có khoảng 100 triệu lợi nhuận từ tiền trồng gỗ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Đưa đoàn đi thực tế tại các trang trại chăn nuôi, anh Nguyễn Xuân Hải, Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thế cũng cho biết: Trước đây, phương thức chăn thả của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa tìm kiếm được đầu ra ổn định cho sản phẩm, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ thực tế đó, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã xác định, xây dựng thương hiệu cho gà đồi Yên Thế để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Khởi đầu từ năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Gà đồi Yên Thế cho sản phẩm gà đồi của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang”. Từ đó đến nay, người dân nơi đây tiếp tục tập trung lực lượng lao động, vốn để đầu tư vào chăn thả gà với quy mô lớn; tập hợp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thành một tổ chức có quyền lợi chung, nhằm phát huy sức mạnh tập thể trong cơ chế thị trường, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Anh Hải cũng cho rằng, để sản phẩm “Gà đồi Yên Thế” ngày càng khẳng định được thương hiệu, đòi hỏi các cấp, các ngành trong cả nước cần phải chung sức, chung lòng ngăn chặn triệt để tình trạng gà nhập lậu, gà không rõ nguồn gốc, đảm bảo ổn định đầu ra cho người chăn nuôi và lợi ích của người tiêu dùng. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương, Yên Thế sẽ ngày càng phát huy những lợi thế trong xây dựng các mô hình nông - lâm kết hợp, nhân rộng mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học; giữ vững và phát triển thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".
Trên thực tế, để giữ vững được thương hiệu "Gà đồi Yên Thế", các cấp chính quyền huyện Yên Thế cũng cần xác định mục tiêu phát triển chăn nuôi gà đồi bền vững; từ đó, có những giải pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng đàn gà, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm; thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế, đưa thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" đến với mọi miền của đất nước.
Theo báo điện tử ĐCSVN
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)