Trong tiến trình thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2005 đến nay bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, triển khai 37 nhiệm vụ KH và CN trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chế biến nông lâm thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Sở KH và CN thường xuyên phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức hội thảo khoa học đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật và giải pháp KH và CN trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tiêu biểu là các đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ một số tiến bộ KH và CN để nâng cao khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa nhằm tăng năng suất và chất lượng, ngăn chặn nguy cơ thiệt hại do sâu bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại huyện Vụ Bản; nghiên cứu tuyển chọn một số giống lúa thơm, lúa đặc sản có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu tuyển chọn một số giống thủy sản chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt... Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các cơ sở sản xuất giống thủy sản đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nhân tạo nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, gồm: ngao, tôm chân trắng, cua biển, cá trình, tu hài, hàu, cá lăng, cá song, cá vược, cá song chấm nâu. Trong đó năng lực sản xuất giống ngao, hàu và tôm chân trắng đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Cùng với sản xuất giống, việc cải tiến quy trình kỹ thuật các loại con nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng được nghiên cứu hoàn thiện và hợp lý hóa, tạo được hiệu quả kinh tế cao. Nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất như “Cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh bền vững bằng phương pháp chuyển giai đoạn” của kỹ sư Đỗ Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Giống hải sản Nam Định; “Cải tiến kỹ thuật nuôi cá bống bớp qua đông tại Nam Định” của kỹ sư Cao Thị Nga, Phòng Nuôi trồng (Sở NN và PTNT); “Nuôi cá trắm đen sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế thức ăn tươi sống" của kỹ sư Hoàng Thanh Dương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh và các đề tài nghiên cứu chọn lọc những con giống có khả năng thích ứng với những diễn biến phức tạp của thời tiết như cá rô phi đơn tính, cá vược...
Theo dõi sinh trưởng của hoa lan trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (Sở KH và CN).
Ngoài ra, các ngành chức năng còn chủ động nghiên cứu các giải pháp KH và CN để giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như lựa chọn giải pháp khoa học khắc phục điểm yếu cũng như định hướng phát triển khoa học ứng dụng để phát triển nông nghiệp bền vững; những ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, có khả năng thích ứng cao đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh; kinh nghiệm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân và giới thiệu những công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện BĐKH… Đặc biệt, những năm gần đây việc ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh đã giúp làm chủ công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, nhân giống hoa lan thương phẩm bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất rau quả an toàn và bảo vệ môi trường. Hiện nay, Sở KH và CN, Sở NN và PTNT đang tập trung nghiên cứu và áp dụng các thành tựu tiến bộ KH và CN để phát triển nghề trồng hoa, trồng rau theo hướng áp dụng công nghệ cao về giống và kỹ thuật canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm. Nông dân các địa phương trong tỉnh đã dần tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng trong sản xuất, nuôi trồng và hình thành các vùng chuyên canh có tỷ trọng hàng hóa lớn, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển ổn định và có sự tăng trưởng khá; cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 4,73%, trong đó ngành trồng trọt tăng 1,43%, chăn nuôi tăng 8,33%, thủy sản tăng 8,58%.
Để đẩy mạnh ứng dụng KH và CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh cần có sự hỗ trợ đầu tư hoàn thiện quy hoạch, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao và thích ứng với BĐKH, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tiến tới xây dựng bộ giống tiên tiến và sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh; nghiên cứu chuyển giao các công nghệ canh tác nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp cận, vận hành và ứng dụng kết quả chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất và quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường đầu tư cho hoạt động KH và CN, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ địa bàn nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản. Chuyển giao các tiến bộ KH và CN trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản - chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại, các HTX mở mang ngành nghề ở nông thôn. Khuyến khích nông dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo cho nông nghiệp phát triển với trình độ cao và bền vững... Phấn đấu hình thành cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, năng động theo hướng sản xuất hàng hóa, thích ứng với BĐKH; khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế đất đai, lao động; nâng cao giá trị gia tăng cho những nông sản đặc trưng, quy mô lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn có sức cạnh tranh cao./.
Lê Quang
Tin liên quan:
- Quy trình sản xuất và chế biến chè Thái Nguyên (12-12-2023)
- Cách làm trà hoà tan từ nấm lim xanh (19-09-2022)
- Đưa chế biến nông sản vào top 10 thế giới (16-07-2020)