Chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường là khâu quan trọng nhưng lại là điểm yếu nhất của ngành chế biến nông sản Việt Nam. Do đó, việc áp dụng công nghệ chế biến hiện đại góp phần quan trọng giải quyết những khó khăn của nông sản Việt Nam.
Ảnh minh họa
“Bán tống, bán tháo” khi vào vụ
Phát biểu tại buổi làm việc với với một số DN chế biến, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu thực tế: Tại Hưng Yên và Bắc Giang, hai loại quả chủ lực là nhãn và vải thiều có giá trị xuất khẩu mỗi năm khoảng 2.000 - 5.000 tỷ đồng. Song, do chỉ chín trong vòng một tháng, nên nhiều lúc vào chính vụ, xảy ra tình trạng phải “bán tống, bán tháo”.
Ông Nguyễn Văn Linh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - chia sẻ, vào chính vụ, Bắc Giang xuất ra ngoài tỉnh từ 4.000 - 5.000 tấn vải, áp lực lưu thông rất lớn. Dù hiện nay, quả vải đã được thử áp dụng các công nghệ bảo quản của Israel hay Nhật Bản có thể để được cả năm, nhưng khi ăn mùi vị rất khác, vỏ vải thiều bị thâm.
Tương tự, tỉnh Hưng Yên có rất nhiều nông sản chủ lực xuất khẩu như: Nhãn, nghệ, cà rốt, cà chua… nhưng công nghệ chế biến sau thu hoạch còn thiếu và yếu. Thực tế, do yếu khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch nên tình trạng nông sản Việt Nam được mùa thì rớt giá, thậm chí phải bán với giá “rẻ như cho”, bỏ thối ở ngoài đồng ruộng do cung vượt cầu.
DN mong muốn kết nối
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty Nafoods Group - cho hay, ngành rau - củ - quả đóng góp khoảng 2 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2016 và dư địa có thể đạt khoảng 10 tỷ USD nếu đầu tư đúng mức, đặc biệt đối với cây chanh leo là cây có lợi thế trồng ở Việt Nam và thị trường nhập khẩu tiêu thụ rất lớn. Hiện nay, Thụy Sĩ là khách hàng chiếm tới 70% thị phần xuất khẩu của Nafoods. Do đó, công ty này mong muốn tìm hiểu công nghệ của Thụy Sĩ để đầu tư thiết bị đóng gói chanh leo tươi nhằm mở thị trường sang các nước như Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ông Hùng cũng kiến nghị, Bộ NN&PTNT và Đại sứ quán Thụy Sỹ hỗ trợ chuyên gia đào tạo cho đội ngũ cán bộ của Viện Nghiên cứu về chanh leo Việt Nam do công ty thành lập.
Chia sẻ cùng đại diện các tỉnh và DN, Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva (Thụy Sĩ) – cho biết, các doanh nghiệp Thụy Sĩ rất quan tâm tới thị trường nông nghiệp Việt Nam, sẵn sàng đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Hơn nữa, họ không chỉ bán sản phẩm mà còn chuyển giao công nghệ và điều chỉnh công nghệ dựa theo nhu cầu của khách hàng.
Các công ty của Thụy Sĩ có thể hợp tác với DN Việt Nam như Công ty Buhler chuyên sản xuất các máy móc cơ khí, chế biến ngũ cốc, gạo cà phê…; Công ty Tetra Pak sản xuất dây chuyền chế biến thực phẩm, dây chuyền sản xuất bao bì máy nghiền phụ phẩm nông nghiệp, đóng gói, chế biến, dịch vụ… Ngoài ra, các công ty Việt Nam có thể liên kết với các viện nông nghiệp để chuyển giao công nghệ sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Việt Nam đã có 10 mặt hàng xuất khẩu xếp thứ hạng cao trên thế giới nhưng chuỗi giá trị còn ngắn, chủ yếu chế biến thô, việc tổ chức thương mại và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng… Vì vậy, cần đẩy nhanh áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam.
Theo Công thương điện tử
Tin liên quan:
- Quy trình sản xuất và chế biến chè Thái Nguyên (12-12-2023)
- Cách làm trà hoà tan từ nấm lim xanh (19-09-2022)
- Đưa chế biến nông sản vào top 10 thế giới (16-07-2020)