Hiện nay, vải thiều sớm - cực sớm đang giai đoạn lộc hoa, vải thiều chính vụ giai đoạn phân hoá mầm hoa. Những ngày vừa qua, thời tiết có mưa nhỏ giúp cho cây vải sinh trưởng, phát triển nhanh hơn; tuy nhiên, đây chính là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây vải như: bệnh sương mai, thán thư, sâu đục cuống hoa, nhện lông nhung, sâu cuốn tổ, sâu đo, rệp...
 
Dự báo trong thời gian tới các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại trên lộc hoa vải thiều, đặc biệt là bệnh sương mai, thán thư, sâu đục cuống hoa, nhện lông nhung... Để phòng trừ các đối tượng sâu bệnh này, thời gian qua Trạm BVTV đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở kiểm tra chặt chẽ diện tích vải thiều, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Cụ thể: phòng trừ các bệnh sương mai, thán thư bằng thuốc: Ridomil 72 WP, Ricide 72 WP, Arygeen, Daconil, Antracol 70WP, Manage 5 WP...; trừ nhện lông nhung, sâu đục thân cuống hoa bằng: Ortus 5EC, Pegasus 500SC, Regent 800WP...; trừ sâu đo bằng: Kinalux 25EC, Reasgent 3.6 EC, Losban 30 EC... Ngoài ra, các hộ nông dân có thể sử dụng thêm một số loại phân bón qua lá có hàm lượng Bo cao hoặc các loại phân bón có thành phần hỗ trợ cho phát triển hoa. Chú ý: Cần phòng trừ triệt để bệnh sương mai, thán thư trên 100% diện tích vải thiều sớm – cực sớm trước khi hoa nở, bởi bệnh sương mai là một bệnh phổ biến, có nguồn lây lan chủ yếu là bào tử nấm có trong đất lưu lại từ các tàn dư vụ trước, bệnh phát sinh cả trên lộc, trên hoa, quả non và gây hại nhất ở giai đoạn quả chín.
 
Bên cạnh đó, các hộ cũng cần lưu ý sử dụng đúng nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì để thuốc phát huy hiệu quả cao nhất, góp phần giúp cho cây vải phát triển tốt, ra quả sai và chất lượng cao./.
 
 
Văn Thư