Trong những năm gần đây, nông nghiệp nước ta đã và đang phát triển theo hướng sạch, an toàn nhờ áp dụng các quy trình kỹ thuật và sử dụng các sản phẩm của khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính vì vậy đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và tiến đến xuất khẩu. Trước xu hướng đó Bắc Giang đã không ngừng tìm tòi đưa các sản phẩm phân bón mang tính hiệu quả và năng suất cao vào cung ứng cho bà con nông dân sản xuất.
Việc sử dụng các chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp để giảm sử dụng kháng sinh, hocmon tăng tưởng (trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản), chất kích thích sinh trưởng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học (trong trồng trọt). Bên cạnh đó, các chất thải nông nghiệp được xử lý bởi chế phẩm sinh học nên có thể tái sử dụng trong sản xuất nông nghiệp nhờ đó làm sạch môi trường và tăng lợi nhuận cho nhà nông. Sản phẩm phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng AZOTOBACTERIN đã được khẳng định qua 3 năm trở lại đây ngoài khả năng bón lót ngay khi bừa dập để tạo đạm sinh học cho cây lúa phát triển nhanh, khỏe mạnh, cung cấp dinh dưỡng cho đất, góp phần phân hủy nhanh, chống được nghẹt dễ và ngộ độc hữu cơ thì sản phẩm phân bón vi sinh này còn được sử dụng để trồng các loại rau củ quả. Đặc biệt trong vụ đông vừa qua sản phẩm phân bón vi sinh này đã khẳng định hiệu quả thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất khoai tây chế biến Alantic tại xã Tư Mại, huyên Yên Dũng. Ngoài khắc phục được những khó khăn và ô nhiễm môi trường khi sử dụng phân chuồng, hạn chế sử dụng phân đơn, phân vô cơ khi tổ chức sản xuất lớn, sử dụng phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng còn tạo ra những sản phẩm sạch, mẫu mã đẹp, năng suất đạt 5 đến 6 tạ/sào, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Từ hiệu quả của vụ trước, vụ này nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã đưa sản phẩm vi sinh này vào sản xuất.
Cùng với sản phẩm phân bón vi sinh, đạm xanh là sản phẩm được công ty CP Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp đưa về cung ứng cho bà con nông dân khoảng 5 năm nay và đã được bà con nông dân các địa phương đánh giá cao. Là xã thuần nông ngoài việc sản xuất 1300ha lúa 1 năm, xã Ngọc Thiện, Tân Yên còn được biết đến với sản xuất các loại cây rau màu như dưa hấu, dưa lê, cà chua,các loại rau màu khoai tây chế biến… với tổng diện tích hàng năm lên tới 500ha. Để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao góp phân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm những năm qua bà con nông dân đã đưa sản phẩm đạm xanh vào sản xuất. Kết quả ngoài việc tiết kiệm được 50% so với sử dụng đạm trắng, sản phẩm đạm xanh còn giúp cây phát triển bộ lá xanh khỏe, tăng khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh đồng thời góp phần tăng năng suất các loại cây trồng khoảng từ 15 đến 30%. Hiệu quả lâu dài của các loại phân hữu cơ sinh học sẽ được tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, bền vững đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn cho con người.
Để tạo điều kiện cho người dân tiếp xúc, áp dụng được các quy trình kỹ thuật, sử dụng các sản phẩm vật tư nông nghiệp một cách hiệu quả theo đúng quy trình kỹ thuật mỗi năm, tỉnh đã phê duyệt hàng chục mô hình, đề tài, dự án từ đó tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để người nông dân nắm được quy trình kỹ thuật cũng như sử dụng các sản phẩm một cách khoa học và hiệu quả. Việc làm này đã khẳng định được vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong việc thực hiện chủ trương doanh nghiệp đồng hành với nhà nông và càng có ý nghĩa hơn đối với các địa phương đang triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
BTV
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)